Nam Định: Chủ động hợp tác quốc tế giải quyết rác thải nguy hại

Dự án "Quản lý chất thải nguy hại Nam Định" từ tháng 08/2003 đến tháng 05/2007 là sự hợp tác trực tiếp của Sở TN&MT Nam Định với Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ. Với những phân tích về thể chế và khung pháp lý, cùng với việc xây dựng chiến lược, kế hoạch thực hiện chiến lược này, Nam Định đang tiếp cận cách giải quyết vấn đề hóc búa này một cách tổng thể…

Người dân làng nghề Vân Chàng đã “dễ thở” hơn…
 
Làng Vân Chàng cách thành phố Nam  Định 10 km về phía Nam, hội đủ cả  thị trấn Nam  Giang và sông Kinh Lũng để trở thành trù phú. Nhưng cuộc sống người dân càng ngắn lại bởi chất thải độc hại chứa đầy axit và sút từ nghề đúc nhôm truyền thống sáu, bảy trăm năm để lại.
 
Tài liệu từ nhiều cuộc khảo sát của Sở TN&MT tỉnh, Viện Địa chất và trường Đại học Greifwald (Đức) cho thấy ô nhiễm từ nghề đúc nhôm khiến cho tuổi thọ bình quân của người dân Vân Chàng không quá ngưỡng 55.
 
Bây giờ thì người làm nghề đã có thể thở dễ dàng. Sản phẩm nồi nhôm cỡ lớn của gia đình chị Vũ Thị Dung, người xóm Đức Long được hệ thống lưu thông đưa tới Kon Tum, Đăk Lăk, thậm chí Lào, Campuchia.
 
Giống như tất cả người dân Vân Chàng, gia đình chị tích cực tham gia dự án, từ những buổi học  tập tới việc đóng góp tiền xây dựng hệ thống thoát nước thải kín từ gia đình qua xóm, qua làng vào 2 hồ sinh học tập trung. Hơn thế, chị còn là hộ tự nguyện đăng ký sản xuất sạch hơn, và là một trong 3 gia đình tham gia tiểu dự án này.
 
Dây chuyền sản xuất của  gia đình chị vẫn thủ công. Nhưng  đã có một ống khói cao 8 mét để hút khí thải từ nồi nấu sút lên cao; sút rơi vãi được hứng lại không cho nhiễm xuống cống rãnh; một hố ga 2 ngăn sơ lọc nước thải trước khi theo đường ống chạy vào cống chung của làng; những chiếc thùng xanh chứa sút và a xít do dự án cấp… Tất cả những chi tiết chưa phải là công nghệ đó đã giúp cho gia đình chị tiết kiệm nguyên liệu, không thải chất ô nhiễm ra đất, và “đẩy” khí độc lên cao.
 
Bây giờ thì thôn Vân Chàng đã có hương ước bảo vệ môi trường làng nghề, tổ thu gom chất thải, có hệ thống cống cấp I thu gom toàn bộ nước thải làng nghề ra hồ sinh học, có kho chứa chất thải nguy hại…
 
Mọi việc vẫn còn ở phía trước
 
 Cùng thời điểm này Dự án đã tiến hành lập danh mục chất thải nguy hại từ các cơ sở công nghiệp, các điểm nóng, tính toán khối lượng chất thải nguy hại và số lượng phát sinh đến 2015 trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời thiết lập chiến lược quản lý chất thải nguy hại có lợi cho môi trường, được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 25/12/2006.
 
 Chương trình giảm thiểu chất thải được thực hiện thông qua các tiểu dự án và Chương trình sản xuất sạch hơn. 24 doanh nghiệp tham gia chương trình đã đầu tư dây chuyền sản xuất giảm lượng chất thải ra môi trường, cải tiến quản lý, tiết kiệm 2,2 tỷ đồng cho doanh nghiệp và hạn chế đáng kể nguồn thải  nguy hại.
 
Tuy nhiên đây mới là những công việc có tính khởi điểm. Tiểu dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại thành phố Nam Định” mới dừng ở phân loại và xác định khối lượng và thành phần chất thải rắn nguy hại tại 7 bệnh viện; xây dựng xong kho chứa chất thải nguy hại y tế; trang bị xe ô tô vận chuyển chuyên dùng, 145 thùng chứa chất thải cũng như việc tổ chức quan trắc khí thải lò đốt Hoval tại bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, xác định được địa điểm xây dựng khu trung chuyển và xử lý sơ bộ chất thải nguy hại Nam Định…


Đối với tiểu dự án Cải thiện điều kiện sản xuất, môi trường và sức khỏe cho làng nghề Vân Chàng được coi là thực hiện thành công nhất của dự án đến thời điểm này, vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục triển khai. Bởi lẽ theo ông Trần Trọng Hưởng, Phó Chủ tịch thị trấn Nam Giang, dự án này mới góp phần “đẩy khí” ra khỏi Vân Chàng và “dồn” nước thải nguy hại vào hồ sinh học. Để giải quyết triệt để cần rất nhiều công sức, tiền của, trí tuệ của các nhà khoa học. Tỉnh Nam Định có ý thức chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục thực hiện kế hoạch chiến lược xử lý chất thải nguy hại. Nếu Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ tiếp tục đóng góp trí lực đối với chương trình này trong thời gian tới, vấn đề xử lý chất thải nguy hại ở Nam Định sẽ có cơ hội thành công.