Nhà máy xử lý rác thải Tân Thành đi vào hoạt động nhưng chỉ đạt khoảng 40%- 50% công suất thiết kế, sau đó là hỏng hóc, trở thành đống rác thải.
Mỗi ngày tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thải ra khoảng 800 tấn rác sinh hoạt. Tỉnh đã đầu tư 24 tỉ đồng xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Tân Thành.
Nhà máy này đi vào hoạt động nhưng chỉ đạt khoảng 40%- 50% công suất thiết kế, sau đó là hỏng hóc, trở thành đống rác thải. Thanh tra vừa phát hiện hàng loạt sai phạm ở khâu thiết kế xây dựng nhà máy này.
Hợp thức hóa rút tiền Nhà nước
Ban quản lý dự án (BQLDA) Nhà máy xử lý rác thải (NMXLRTT)Tân Thành ký hợp đồng (HĐ) với Cty TNHH Tư vấn xây dựng (TVXD) về việc thiết kế, lập dự toán công trình.
Thế nhưng, thực chất gói thầu này được giao cho ông Lương Như Lâm (là kỹ sư điện, công tác tại Công ty Tư vấn xây dựng tổng hợp BR-VT) thực hiện. Công ty TNHH TVXD chỉ ký hợp đồng, đóng dấu pháp nhân và thu 20% giá trị thanh lý HĐ để hợp thức hồ sơ.
Đáng chú ý, phần kết cấu và dự toán của gói thầu được ông Lâm giao lại cho ông Đỗ Hải Loan (Giám đốc Công ty TNHH TVXD) sau đó, ông Loan ký HĐ khoán ngược lại để ông Lâm nhận 80% giá trị hợp đồng.
Trước khi ký HĐ lập dự án với Cty TNHH TVXD , BQLDA đã trình Sở Kế hoạch Đầu tư và UBND tỉnh BR-VT phê duyệt dự án. Khi dự án được phê duyệt, BQLDA nghiệm thu và thanh lý hợp đồng với Công ty TNHH TVXD (thực chất là với ông Lương Như Lâm).
Việc BQLDA xin UBND tỉnh BR-VT chỉ định Công ty TNHH TVXD làm tư vấn lập dự án là để ký và thanh lý HĐ với công ty này thực chất là hợp thức hóa việc rút tiền từ ngân sách Nhà nước.
Công nghệ chắp vá
NMXLR Tân Thành thiết kế ban đầu xử lý 200 tấn rác/ngày, sau đó dự án phê duyệt là 400 tấn/ngày. Thế nhưng phần công nghệ xử lý rác lại cơ bản giống với bản dự án nhà máy công suất xử lý 200 tấn/ngày. Người thiết kế chỉ chỉnh sửa lại phương án và công suất cho phù hợp, thiết kế vẫn như cũ.
Thiết kế ban đầu công nghệ xử lý rác 200 m3/ngày là của Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và thiết bị (ĐH Bách khoa TPHCM). Khi dự án điều chỉnh quy mô lên gấp đôi, BQLDA lại chọn Cty TNHH TVXD làm nhà tư vấn lập dự án.
Hậu quả là NMXLR Tân Thành thiết kế kiểu chắp vá, thiếu đồng bộ dẫn đến bất hợp lý trong dây chuyền công nghệ. Cơ quan chức năng nhận định dây chuyền thiết bị của nhà máy 400 m3/ ngày là sự tập hợp của các ý tưởng rời rạc chắp vá đã được sử dụng từ một số nhà máy rác khác ghép lại để hình thành mô hình mới.
Việc sao chép này chưa được sự đồng ý của ĐH Bách khoa TPHCM. Tuy nhiên sau khi “viết” xong dự án, ông Lương Như Lâm đã nhận được hơn 43 triệu đồng (80% giá trị hợp đồng); Công ty TNHH TVXD có công đóng dấu đỏ vào dự án được thụ hưởng 10 triệu đồng.
Do lập dự toán thiết kế thi công có nhiều sai phạm nên nhà máy này liên tục phải sửa chữa. Có những khâu công nghệ như phân loại rác đầu vào đã không được triển khai thực hiện.
Dây chuyền thiết bị nghiệm thu và kết thúc bảo hành từ tháng 10/2004, nhưng do thiết bị không đồng bộ, không có hợp đồng chuyển giao công nghệ chế biến rác nên khi nâng công suất từ 200 m3 lên 400 m3/ ngày thì 3 hạng mục chính của nhà máy gồm: dây chuyền máy sàng thô, dây chuyền sàng tinh, hệ thống quạt thổi khí hoạt động không hiệu quả phải bổ sung lao động gấp 3 lần.
Có thể nói, NMXLR Tân Thành vừa ra đời đã không đáp ứng được mục tiêu đầu tư. Không những vậy, nhà máy này lại là tác nhân gây ô nhiễm cho môi trường.
Do nhà máy không hoạt động như thiết kế dẫn đến tình trạng thừa, ứ rác. Nước thải chảy từ nhà máy ra ruộng đồng, ra sông Thị Vải, xú uế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và bất bình cho người dân.
Theo Thanh tra, 24 tỉ đồng xây dựng NMXLR Tân Thành nay trở thành “đống rác”, trách nhiệm trước hết thuộc BQLDA và công tác quản lý nhà nước của Sở KHCN-MT (nay là Sở KHCN – chủ đầu tư dự án) đã buông lỏng quản lý dẫn đến nhiều sai phạm.
Đáng chú ý, BQLDA sau khi đã góp phần đưa nhà máy trở thành “đống rác” đã kịp giải thể và hạ cánh an toàn. Mới đây cơ quan chức năng BR-VT đã “ra tay” buộc Công ty TNHH TVXD nộp tổng cộng 71 triệu đồng mà công ty này thụ hưởng tiền lập dự án từ việc đóng dấu pháp nhân và “copy” dự án.
Thanh tra BR-VT đề nghị chuyển vụ việc có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm này sang cơ quan điều tra.