Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có đến 4 triệu trẻ em tử vong vì các yếu tố môi trường, như ô nhiễm không khí, nước bẩn và phơi nhiễm hóa chất độc hại.
Ngày 27/07, trong một báo cáo kỹ thuật do 24 chuyên gia khoa học soạn thảo, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các bệnh như ngộ độc, nhiễm trùng hô hấp cấp tính, tiêu chảy và sốt rét chiếm phần lớn trong tổng số ca tử vong ở trẻ em.
Theo báo cáo nói trên, có đến 30% số ca bệnh tật và tử vong ở trẻ em xuất phát từ yếu tố môi trường.
Theo WHO, các hóa chất độc hại còn có những ảnh hưởng lâu dài khi trẻ em lớn lên. Thông thường thì hậu quả của việc nhiễm các chất độc khi còn ở trong tử cung chỉ khởi phát khi trẻ em đến tuổi thiếu niên hoặc lớn hơn.
Trong một buổi họp báo về vấn đề này, bà Jenny Pronczuk, chuyên gia của WHO, phát biểu: “Đó là tình trạng mà tất cả chúng ta đều dễ nhận thấy bằng trực giác, nhưng chúng ta chưa biết rõ số lượng trẻ em bị ảnh hưởng là bao nhiêu”.
Bà Pronczuk nói: “Chẳng hạn, trong nhiễm độc chì, một đứa trẻ có thể bị phơi nhiễm chì trong tử cung của mẹ, bởi vì chì trong cơ thể người mẹ đã truyền vào xương của đứa trẻ đó. Trong trường hợp này, hậu quả của việc nhiễm độc chì sẽ khác với những trường hợp nhiễm độc chì khác”.
Theo WHO, hiện nay châu Phi là nơi có nhiều bệnh liên quan tới môi trường nhất trên thế giới, kế đến là một số khu vực ở Đông Nam Á.