ThienNhien.Net – Ngày 19/7/2007, Tổ chức Đất ngập nước quốc tế lần đầu ra mắt cuốn sổ tay giới thiệu, mang tên: “Đất ngập nước, xoá đói giảm nghèo và phát triển du lịch sinh thái”. Du lịch là một nguồn thu nhập quan trọng đối với 83% các nước đang phát triển, được khai thác chủ yếu ở các vùng đất ngập nước như bờ biển, sông hồ. Phát triển du lịch đang được coi như giải pháp thoát nghèo cho khu vực này. Cuốn sách cũng cho thấy bên cạnh các cơ hội là sự đe doạ tiềm t àng trong du lịch ở các vùng đất ngập nước.
Bờ biển, dòng sông, hồ, các khu rừng ngập mặn và các khu đất ngập nước khác là những khu vực có thể phát triển du lịch. Khách tham quan rất hồ hởi khi được bơi, lặn, ngắm chim và các loài động vật hoang dã khác hay đơn giản chỉ là đi ngắm cảnh. Rất ít người biết rằng việc đó mang lại nguồn lợi và giảm bớt đói nghèo cho các nước đang phát triển. Một ví dụ điển hình là dự án ở Uganda, một tổ chức phát triển và hãng du hành kết hợp xây dựng một tua du lịch xem chim và những người dân bản địa được tập huấn thành các hướng dẫn viên. Trước đó, chính những người này đã buộc phải sinh nhai bằng cách săn bắn và đốt phá môi trường xung quanh. Thu nhập nhiều hơn và kiến thức về môi trường tăng lên đã thật sự giảm bớt những tác động của người dân đến môi trường và cải thiện cuộc sống.
Mối quan hệ giữa ngành du lịch và các khu đất ngập nước dầu sao cũng khá phức tạp và đôi khi đối địch với nhau. Du lịch có thể ảnh hưởng đến các khu vực này theo rất nhiều cách khác nhau như làm mất sinh cảnh, ô nhiễm, tiếng ồn hay lạm dụng nước. Thông thường, sự phát triển kinh tế của một khu vực sẽ trả giá bằng sự mất mát cảnh quan của môi trường, kéo theo đó cả cơ hội làm du lịch. Với nhiều quốc gia, khi các khách sạn lớn được xây lên đã kéo theo nguồn nước bị khai thác cạn kiệt. Điều này làm ảnh hưởng đến cảnh quan của khu vực; mà khách du lịch thì lại đến để ngắm cảnh. Rất nhiều người dân sống dựa vào các khu đất ngập nước, họ không còn con đường nào khác một khi môi trường đã suy thoái. Nhưng với ngành du lịch, một kế hoạch phù hợp sẽ trở thành cơ chế mới gây quỹ cho việc bảo tồn thiên nhiên và phát triển đời sống của dân cư trong vùng. Thách thức hiện tại là phải hướng tới những phần thu nhập có tính lâu dài khi khai thác du lịch.
Để làm du lịch cần có rất nhiều điều kiện: phải có nơi nghỉ ngơi, có gì đó để xem hoặc giải trí, đồ để ăn, dịch vụ và đồ lưu niệm. Nếu tất cả đều được làm bởi người dân bản xứ, du lịch sẽ tạo ra vô khối công ăn việc làm. Khi vẫn còn nghèo, muốn làm du lịch trước hết cần phải tồn tại được trong một môi trường cạnh tranh. Do đó, thành phần kinh tế tư nhân cần được tạo điều kiện để liên kết và hợp tác, bao gồm các hãng du hành, tổ chức tour du lịch và các chủ khách sạn.
Ở rất nhiều quốc gia, lượng khách du lịch nội địa lại còn lớn hơn cả khách nước ngoài. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế có thể đóng vai trò tối quan trọng để tạo nên những “cú hích” cho nền kinh tế, trong việc gìn giữ những khu vực cảnh quan thiên nhiên quan trọng. Tuy vậy, nó cũng dễ dàng suy yếu khi xảy ra các cuộc khủng hoảng chính trị, thảm hoạ tự nhiên hoặc bệnh dịch. Rõ ràng cần phải có sự cân bằng giữa cả hai thành phần.
Tổ chức Bảo tồn các khu đất ngập nước quốc tế tán thành việc khai thác các khu vực đất ngập nước, nhằm phục vụ cho nền kinh tế của một quốc gia. Tổ chức này cũng nhấn mạnh vào việc cần đưa ra các hướng dẫn rõ ràng để ngành du lịch trở nên bền vững hơn. Một trong những cách tiếp cận là tập trung vào dòng khách du lịch hiện tại và kéo theo sự phát triển của cộng đồng địa phương có sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân (hoặc ngược lại). Du lịch sinh thái và xoá nghèo không nên phát triển thành một hướng chính, nhưng có thể trở thành một bộ phận không thể thiếu trong xu thế du lịch.