Nhiễm liên cầu lợn – Nguy cơ tử vong cao!

ThienNhien.Net – Trên 40 bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn ở Hà Nội và TP. HCM do ăn hay tiếp xúc với lợn mắc bệnh , ít nhất 2 người đã tử vong. Đây thật sự là mối lo ngại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Hiện nay, bệnh liên cầu lợn (Streptococcus suis) đang bùng phát ở các ổ dịch tai xanh, làm số người nhiễm bệnh tăng nhanh. Đây là bệnh lây trực tiếp từ những con lợn mắc bệnh liên cầu sang người khi ăn phải thịt, tiết canh lợn, qua tiếp xúc với máu hay phân lợn bệnh.
Theo Ths. Nguyễn Hồng Hà – Phó Viện trưởng Viện truyền nhiễm & các bệnh Nhiệt đới Quốc gia cho biết, viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc bệnh do nhiễm liên cầu lợn, trong đó có 22 bệnh nhân bị nhiễm nặng và 2 trường hợp đã tử vong. Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng cũng xác nhận thông tin hai trường hợp nghi nhiễm “liên cầu lợn” đang điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế, trong đó một bệnh nhân đã tử vong.
Theo các bác sĩ, bệnh này có tỉ lệ tử vong rất cao, lên tới 45%. Người bệnh cần được phát hiện sớm thì mới có khả năng chữa trị khỏi bệnh. Nếu mọi người phát hiện thấy người thân của mình xuất hiện các triệu chứng sốt cao, mê man, thân mình tím tái…sau khi ăn, tiếp xúc với thịt lợn thì cần chuyển ngay đến bệnh viện.
Mặt khác, virus “liên cầu lợn” cũng có thể lây lan cho các loại gia súc khác như trâu, bò, cừu, ngựa, dê, chó, mèo và thậm chí là cả vẹt nên nguy cơ lây bệnh sang người là khá cao. Do đó, người dân cũng nên cảnh giác.
Hiện tại, công tác phòng chống đã được triển khai rộng rãi, thế nhưng người dân ở vùng dịch vẫn vứt xác lợn chết bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, việc vận chuyển, mua bán thịt lợn cấm vẫn diễn ra lén lút.
Bên cạnh đó, mặc dù các phương tiện đại chúng đã đưa tin về dịch lợn tai xanh và cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh liên cầu nhưng nhiều người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội vẫn còn rất thờ ơ.   
Theo dự báo, số người mắc bệnh liên cầu lợn sẽ còn gia tăng vì không thể phát hiện lợn bệnh bằng mắt thường. Do vậy, lời khuyên tốt nhất của các bác sĩ đối với các bà nội trợ là không nên mua thịt lợn có màu sắc khác thường, có xuất huyết, không có dấu kiểm định của thú y, không ăn tiết canh lợn, khi chế biến phải nấu chín kỹ, cần đeo găng tay khi chế biến thịt lợn…
 
Để chủ động giám sát, phòng tránh lây nhiễm bệnh từ lợn, hạn chế tối đa số người mắc và tử vong do nhiễm liên cầu lợn, Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường công tác giám sát các trường hợp bệnh nghi nhiễm liên cầu lợn, đặc biệt là những đối tượng có tiếp xúc gần với lợn bệnh như chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn.