Tảo độc trong các hồ ở Hà Nội hiện đã phát triển vượt gấp 100 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Đã từng có kiến nghị gởi lên UBND TP Hà Nội từ 2002 nhưng đến nay, vẫn chưa thấy phản hồi!
Tảo độc- chưa gắn kết các ’’nhà’’ cùng xử lý
Đây là nhận định của GS TSKH Dương Đức Tiến, (Trung tâm Công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, Bộ Khoa học và Công nghệ) về thực trạng tảo độc đang xâm lấn các hồ Hà Nội hiện nay trong khi chưa có một biện pháp nào hữu hiệu để xử lý.
Tại các nước trên thế giới, việc ngăn chặn tảo độc làm rất nghiêm ngặt với sự tham gia của tất cả các nhà quản lý, các tổ chức xã hội vì ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân (điển hình là Mỹ, Úc, Anh, Nga, Pháp, Itxaraen, Trung Quốc..), họ đều có những bộ phận quản lý hồ và cảnh báo cho dân.
Tuy nhiên, theo GS TSKH Dương Đức Tiến, ở Việt Nam hiện nay, các nhà khoa học mới chỉ làm được điều tra về hồ, phát hiện những loài tảo trong hồ, báo cáo cấp trên và cảnh báo. Thành phố Hà Nội cũng chưa có một công trình nghiên cứu nào để giảm thiểu tảo độc.
Hà Nội mới chỉ dừng lại ở việc sửa sang lại hồ, nạo vét, kè bờ… Việc này lại vô tình xới lên thềm đáy vốn rất nhiều canxi và phốt pho – nguồn dinh dưỡng của tảo độc; rồi việc kè bê tông kiên cố xung quanh hồ trong khi các nhà khoa học cho rằng nên giữ được trạng thái hồ tự nhiên, có sinh vật cây cối phát triển, có thể viền xung quanh hồ các khoảng đất để trồng cây thuỷ sinh…
GS TSKH Dương Đức Tiến cho rằng, vấn đề dễ dàng nhận thấy là việc bảo vệ cảnh quan cũng như nguồn nước hồ không gắn các nhà khoa học và nhà quản lý, nhà thi công… lại với nhau để có sự dung hoà giữa xây dựng và sinh học cho hồ.
Trong khi đó, tại các hồ Hà Nội, mật độ tảo độc lên tới mức báo động: hàm lượng 50-100mcg/lít, với khoảng 2-3 triệu tế bào/lít. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới thì nước hồ được coi là an toàn khi tảo độc ở mức cho phép là 20.000 tế bào/lít nước, hàm lượng 10mcg/lít nước. Tảo độc tại các hồ điển hình trong nội thành như hồ Giảng Võ, Thành Công, Thanh Nhàn, Hale…vẫn còn chưa ’’kinh khủng’’ bằng hồ Hoàn Kiếm. Có thời điểm, hồ nằm giữa trung tâm Thủ đô này có tới 16-18 triệu tế bào tảo độc/lít nước.
Kiến nghị xử lý đã 5 năm…
Ông Đặng Dương Bình, Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Khí tượng và Thủy văn Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội lại nhận định, việc xử lý tảo tại các hồ Hà Nội không phải là không có giải pháp, nước ngoài họ vào chào đón các công nghệ xử lý cũng nhiều, ngay cả các nhà khoa học cũng đưa ra nhiều ý tưởng, phương án, nhưng lực bất tòng tâm: vấn đề vẫn là ai bỏ tiền thực hiện?
Nhà khoa học đề xuất mà không kêu gọi nhà thầu hiện thực hoá ý tưởng; nhà đầu tư lại chần chừ trước bài toán rủi ro; nhà quản lý thì mới đang ở công đoạn đưa ra các quy chế huy động mọi lực lượng, kêu gọi gắn kết toàn xã hội tham gia bảo vệ môi trường; và tảo độc thì vẫn đang xâm lấn hồ Hà Nội!
Ông Bình cho biết, vấn đề phối hợp xử lý tảo độc tại các hồ Hà Nội đã có kiến nghị lên UBND TP Hà Nội từ năm 2002, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi. Hà Nội chưa có dự án riêng nào về giảm thiểu tảo độc. Công ty thoát nước Hà Nội, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý hồ hiện nay cũng chỉ chủ yếu là điều tiết chống úng ngập chứ không phải chống ô nhiễm. Trong khi đó, kinh phí rót vào thì ’’vừa xoắn’’. Giả sử, muốn làm thêm việc xử lý tảo độc bằng cách thủ công là vớt tảo thì phí thuê thuyền… ai cấp cho?
Theo ông Bình, bảo vệ môi trường cũng phải xã hội hoá, ngân sách không chịu mãi được. Tảo độc không cần phòng thí nghiệm mà bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy, vấn đề là: xử lý chúng thì ai chịu phí? Đã đến lúc các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kiến trúc, nhà xây dựng… nên lắng nghe ý kiến của nhau để bảo vệ hồ xứng đáng với tên gọi của nó chứ không phải gọi hồ là cái đĩa hay chậu rửa trong thành phố như ai đó đã ví von.
’’Trước mắt, cái gì dễ nhất thì nên làm, khi gặp tảo không có cách gì khác là dùng thuyền đi vớt tảo lên, vớt xong thu gom lại làm phân…” – ông Bình nói.