Sau hiện tượng những cây chè cổ thụ ở xã Suối Giàng huyện Văn Chấn (Yên Bái) bị "bật gốc", vận chuyển về xuôi làm cây cảnh vừa chấm dứt thì tại đây lai rộ lên phong trào chơi đá cảnh. Hiện tượng khai thác đá cảnh đang ngày càng “sôi động”, nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái trong khi xã Suối Giàng được UBND tỉnh Yên Bái qui họach trở thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với kinh phí lên tới cả tỷ đồng.
Có mặt tại khu vực Suối Lóp, một địa điểm khai thác đá cảnh cách trung tâm huyện Văn Chấn khoảng 10km, sẽ bắt gặp cảnh hàng chục chiếc xe máy dựng hai bên đường và đoàn người vai ướt đẫm mồ hôi vận chuyển những tảng đá, miếng đá khệ nệ.
Đây là bãi để xe của “dân nghiền” đá cảnh và đi khai thác đá cảnh. Xuất phát từ chuyện một số người đi rừng tìm kiếm và sưu tầm gỗ lũa, gỗ gụ hương, các loại gốc rễ cây có hình dáng xù xì ở một số khu vực của xã Suối Giàng về bán làm cảnh nên đá cảnh đã lọt vào “tầm ngắm” của dân chịu chơi.
Qua những lần đi rừng, người dân đã phát hiện ra ở đây có những miếng đá có hình dáng tự nhiên phong phú, nhiều viên có đường vân đẹp nên đã mang về làm cảnh vô tình tạo nên một phong trào chơi đá cảnh và nhu cầu mua, bán đá cảnh khá rầm rộ ở nơi đây. Khi đã có cầu, ắt phải có cung nên phong trào khai thác đá cảnh càng trở lên sôi động trong những tháng gần đây.
Theo chân những người khai thác đá vào khu vực đỉnh núi phía trên Suối Lóp bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng đào bới khá sôi động, hàng chục người chia thành nhiều tốp đào bới, tìm kiếm đá cảnh làm cả một vạt núi tang hoang. Nhiều gốc cây, bụi nứa và thậm chí cả những tảng đá to đồ sộ đều bị bật tung. Những người lên đây khai thác đá chủ yếu là dân của xã Sơn Thịnh, Suối Giàng, Phù Nham của huyện Văn Chấn và một bộ phận dân ở nhiều xã khác tìm đến.
Một dân chơi đá cảnh cho biết: nguồn đá cảnh ở đây khá độc đáo vì nó có hình thù giống như những con vật, có đường vân và màu sắc rất đẹp mắt. Những tảng đá, viên đá sau khi được lựa chọn, khai thác đem về đã có không ít “dân chơi” tìm mua với giá cả triệu đồng. Được biết, tuy theo kích cỡ và kiểu dáng, màu sắc, đường vân, mỗi viên đá có giá từ vài chục ngàn đến cả triệu đồng tùy theo sở thích của người mua. Người đi khai thác đá cảnh về có thể bán theo lô hoặc từng viên theo nhu cầu, sở thích của người mua đá tạo nên sức hút mãnh liệt đối với những người dân đi đào đá.
Trên tay là những hòn đá cảnh, anh Giàng A Sua xã Suối Giàng cho biết: mỗi ngày anh khai thác được từ 3 đến 5 miếng đá như thế này bán có giá cả trăm ngàn đồng cho những dân chơi đá cảnh từ xuôi tìm đến mua. Với lợi nhuận từ việc khai thác đá cảnh nhanh hơn cả ngày công lao động nên nhiều người dân sở tại đã bỏ cả việc đồng áng, nương rẫy lên Suối Lóp săn tìm, khai thác đá cảnh.
Vì lợi nhuận trước mắt nên ở khu vực này mỗi ngày thu hút hàng trăm người lên đây khai thác đá. Chứng kiến cảnh tượng đất đá, cây cối bị đào bới lộn tung, những viên đá đẹp bị mang ra khỏi nơi này bạn không khỏi xót xa. Bởi vì: với độ dốc lớn của triền núi cộng với việc khai thác đá cảnh bừa bãi không theo một qui trình nào nên ở đây luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, gây nguy hiểm đến tính mạng của những người đi khai thác đá. Mặt khác nó còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi do mưa lũ bào mòn trong khi mùa mưa bão đang đến gần. Không chỉ ở Suối Lóp mà ở khu vực Km11 cũng diễn ra cảnh khai thác đá cảnh rất rầm rộ. Được biết, lượng người đổ về đây khá đông nên mỗi ngày có tới vài m3‑ đá bị chuyển đi cộng với sự chen lấn tranh giành nhau muốn có được những miếng đá đẹp nên đã gây nên tình trạng hỗn loạn, tranh giành lãnh thổ.
Trước hiện tượng việc khai thác đá cảnh tràn lan, chính quyền xã Suối Giàng đã treo biển cấm khai thác đá tại khu vực Km11 và hàng ngày xã tổ chức lực lượng đi kiểm tra nhắc nhở và thậm chí thu lại cả những viên đá, miếng đá của những người đã đi khai thác. Song, do áp lực của chính quyền chưa đủ mạnh cộng với lợi nhuận lớn từ việc khai thác đá nên hàng ngày người dân vẫn lén lút lên đây khai thác mà chính quyền thì không thể kiểm soát nổi. Trao đổi với chúng tôi, ông Giàng A Đằng, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết: Với lợi thế về độ cao và có điều kiện khí hậu mát mẻ, núi non trùng điệp nên Suối Giàng có thể phát triển thành khu du lịch sinh thái nên đã có người ví Suối Giàng như một Sa Pa thu nhỏ.
Ngoài ra, địa danh Suối Giàng còn được biết đến bởi cây chè tuyết cổ thụ, những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông… bên cạnh đó Suối Giàng còn có những bãi đá tự nhiên rất đẹp, nhưng việc khai thác đá cảnh trái phép đã vô tình phá vỡ cảnh quan tự nhiên ở nơi đây, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái và điều kiện sống của người dân sở tại.
Do yếu kém trong công tác quản lý nên chính quyền xã gần như bất lực trước việc ngăn chặn tình trạng khai thác đá cảnh. Hàng ngày những tảng đá, viên đá vẫn bị vận chuyển ra khỏi khu vực Suối Giàng để lại những bãi đất đá ngổn ngang, xáo trộn cả một vùng thiên nhiên trù phú.
Rồi đây liệu vẻ đẹp thiên nhiên của Suối Giàng có còn giữ được vẻ hoang sơ, thơ mộng? Câu trả lời này chúng tôi xin dành cho chính quyền xã Suối Giàng và các cấp, các ngành huyện Văn Chấn. Nếu không sớm chấm dứt ngay việc khai thác đá cảnh ở nơi đây sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong việc giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên quí giá như bảo vệ cảnh quan thiên nhiên hoang dã, môi trường sinh thái…
Xã Suối Giàng đang được UBND tỉnh Yên Bái qui hoạch để trở thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với giá trị đầu tư lên tới hàng tỷ đồng. Với việc trở thành khu du lịch sinh thái sẽ mở ra một hướng phát triển mới, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân các dân tộc nơi đây, góp phần xóa đói giảm nghèo cho chính người dân sở tại. Nhưng với việc xâm hại một cách quá mức đang làm cho Suối Giàng mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Do đó, việc tôn trọng những giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa của Suối Giàng là hết sức cần thiết. Việc khai thác đá cảnh trái phép với cái lợi trước mắt của một bộ phận người dân sẽ phá hại nguồn tài nguyên thiên nhiên quí giá và bỏ đi lợi ích lâu dài của cả vùng đất thiên nhiên nhiều tiềm năng như Suối Giàng.