TP.HCM có đến 36 vị trí có nguy cơ sạt lở đất ven sông, rạch làm ảnh hưởng đến nhà cửa, tài sản của người dân bất cứ lúc nào.
Chiều 24/07, ông Trần Thế Kỷ, Trưởng phòng Quản lý đường thủy, Sở GTCC TP.HCM cảnh báo như trên. Theo ông Kỷ, đây là những vị trí có nguy cơ sạt lở cao nhất vì đã xảy ra hiện tượng nứt đất. Ông Kỷ khuyến cáo người dân ở những khu vực sạt lở không nên xem thường mà nên có biện pháp chủ động đối phó, di dời đến nơi an toàn.
Vị trí các điểm sạt lở phân bổ ở quận 9, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè và Bình Chánh kéo dài gần 22km, rộng 5km. Ở Bình Thạnh, các vị trí sạt lở tập trung ở khu vực bán đảo Thanh Đa như nhà hàng Hoàng Ty, từ cuối kè khu du lịch Công Đoàn đến khu Bạch Đàn. Ở huyện Nhà Bè chiếm đến 19 vị trí có nguy cơ sạt lở cao như tại khu vực cầu Hiệp Phước, bến đò Hiệp Phước, cầu Mương Chuối, sông Phước Kiểng, Rạch Tôm…
Lý giải về nguyên nhân của những vụ sạt lở đất ven sông, rạch, ông Kỷ cho rằng ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết biến đổi thất thường còn có nguyên nhân do người dân xây dựng đất đai lấn chiếm sông rạch, cơi nới, gia tải hành lang bảo vệ bờ sông dẫn đến làm thay đổi vận tốc dòng chảy cũng như hướng chảy.
Ngoài ra, một số công trình chống lũ cho khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn phía thượng nguồn sông Sài Gòn đã chặn, san lấp chỗ trũng làm vận tốc của triều chảy mạnh; tốc độ nước xoáy vào bờ khủng khiếp hơn.
Ở những địa điểm có nguy cơ sạt lở nói trên, chỉ có dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa dự kiến triển khai trong tháng 9 này. Những dự án chống sạt lở còn lại hầu hết còn đang nằm trên giấy.