Ô nhiễm không khí – tiếng chuông cảnh báo

ThienNhien.Net – Những chiếc ô tô, xe máy ngày nay đã trở thành biểu tượng cho sự tự do hoá nền kinh tế ở Việt Nam. Thế nhưng, chúng cũng là một phần nguyên nhân chính gây ra những mối lo lắng về vấn đề ô nhiễm không khí. Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết về vấn đề ô nhiễm không khí của Việt Nam dưới con mắt một nhà báo nước ngoài.


Theo các chuyên gia, không khí tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có hàm lượng benzen và sun-phua dioxit rất cao. Hàm lượng của một trong những chất ô nhiễm nguy hiểm nhất, loại bụi PM10, có mức độ vừa phải so với các thành phố châu Á đang phát triển khác nhưng có thể tăng lên nếu Việt Nam xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than để đáp ứng nhu cầu về điện hiện đang tăng gấp đôi hàng năm.


Ông Phạm Duy Hiển, chuyên gia môi trường đồng thời là tư vấn cho chương trình không khí sạch Việt Nam – Thụy Sĩ, cho biết Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có mức PM10 khoảng 80 micrograms/m3 khí, gấp đôi so với Băng Cốc và gấp hơn 20 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới (WHO), mặc dù so với Bắc Kinh và New Delhi vẫn được coi là khả quan. (hai thành phố này có tỉ lệ ô nhiễm vượt tiêu chuẩn lần lượt là 142 và 115 lần)


Theo ông Hoàng Hải Vân, tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, tờ báo gần đây có hàng loạt phóng sự về chủ đề môi trường, vấn đề cốt lõi của ô nhiễm không khí tại Việt Nam là nhiên liệu bẩn. Nguyên nhân nhập nguyên liệu chất lượng thấp có nhiều, do các công ty nhập nguyên liệu chủ động lựa chọn để tối đa hoá lợi nhuận của họ, do sự chưa thống nhất về quan điểm giữa các bộ ngành liên quan. Bộ Thương mại coi việc nhập khẩu nhiên liệu là một ngành kinh doanh đem lại lợi nhuận, trong khi đó Cơ quan Thanh kiểm các phương tiện đường bộ lại cho rằng lợi nhuận từ kinh doanh không thể bù đắp lại hậu quả mà thứ nhiên liệu chất lượng thấp này gây ra.
 
Tháng hai vừa qua, VAMA – Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, đã gửi một bức thư tới văn phòng Thủ tướng trong đó có nêu rằng nhiên liệu chất lượng thấp có thể phá hủy những động cơ hiện nay.


Ông Đặng Dương Bình, giám đốc Sở tài nguyên, môi trường và nhà đất Hà Nội cho rằng:  “Vấn đề chất lượng xăng dầu sẽ phải được xem xét dù sớm hay muộn nhưng chúng ta không thể tiến hành một cách đột ngột”.

Từ ngày 01/07/2007, tất cả các trạm xăng dầu ở Việt Nam chỉ được bán nhiên liệu theo tiêu chuẩn Euro II, loại tiêu chuẩn được áp dụng ở EU từ trước năm 2000 và hạn chế hàm lượng benzen, sun-phua và bụi PM10 và một số các chất ô nhiễm khác. Mặc dù vậy, theo nhận định của ông Vân, nhiên liệu kém chất lượng vẫn sẽ được bán.


Được biết, Euro II chỉ áp dụng với các loại phương tiện mới và không bắt buộc với ô tô, xe máy đang sử dụng để có sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Các nhà môi trường nhận xét rằng điều này sẽ không đủ mạnh để tạo ra những cảnh báo về chất lượng không khí.

Còn theo ông Vân: “Chúng ta cần nhận thức được rằng nhiên liệu với hàm lượng các chất gây ô nhiễm cao còn nguy hiểm hơn những loại xì dầu “bẩn” bị phê phán vừa qua vì cho dù ai sử dụng nhiên liệu, tất cả mọi người sẽ đều phải hít thở một bầu không khí bẩn như nhau.”