ThienNhien.Net – Dịch bệnh trên đàn lợn ở Quảng Nam đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng lan rộng cả miền Trung và có nguy cơ làm nảy sinh một số bệnh nguy hiểm có thể lây qua người như bệnh liên cầu lợn, dịch tả…
Theo Cục Thú y, Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (gọi tắt là bệnh PRRS) hay còn gọi bệnh “tai xanh” ở lợn đang lan rộng ở Quảng Nam với tổng số lợn mắc bệnh lên đến 18.150 con (trong đó có khoảng 800 con bị chết). Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch tại các địa phương vẫn còn khá lơ là. Trong khi đó, nhiều người dân và một số hộ chăn nuôi lại mang xác lợn chết đổ xuống sông Trường Giang gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường. Tình trạng này là nguyên nhân chính gây lan tràn dịch bệnh trên diện rộng, khó có thể dập tắt trong những ngày tới. Điều đặc biệt nghiêm trọng là thịt lợn bị bệnh vẫn được tiêu thụ trên thị trường, có khả năng gây hại cho người tiêu dùng.
Ở Việt Nam, dịch xuất hiện lần đầu vào năm 1997 trên đàn lợn nhập từ Mỹ. Gần đây, vào tháng 3/2007, dịch đã bùng phát ở các tỉnh phía bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng và Lào Cai làm gần 30 nghìn con lợn bị nhiễm bệnh, thiệt hại lên đến gần 2 tỷ đồng.
Hội chứng này lần đầu tiên được phát hiện ở Mỹ vào năm 1987, sau đó ở châu Âu và phát hiện ở châu Á đầu những năm 90 của thế kỷ 20. Theo các nhà kinh tế Mỹ, dịch bệnh bùng phát có thể gây thiệt hại lên tới 1 tỷ đô la mỗi năm. Mới đây, nó đã xuất hiện tại 22 tỉnh ở Trung Quốc làm ít nhất 45 ngàn con lợn bị nhiễm bệnh trong 5 tháng đầu năm 2007 với 19 ngàn lợn chết và 6 ngàn lợn bị loại. Chính quyền Trung Quốc cho rằng bệnh “tai xanh” là nguyên nhân làm giảm sản lượng thịt lợn và từ đó dẫn đến giá lợn ở một số vùng tại TQ tăng cao. Hiện tại, bệnh tai xanh cũng đang tấn công đàn lợn ở Thụy Sĩ và 3000 con lợn đã bị tiêu hủy.
Hội chứng PRRS được xem là một bệnh tương đối nghiêm trọng ở lợn, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì mức độ lây lan rất nhanh, gây thiệt hại lớn cho sản xuất, kinh tế và sức khoẻ của cộng đồng. Bệnh này do một loại virus có tên là Lelystad gây ra, nó hoạt động ở đại thực bào của phổi, làm giảm chức năng của hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ bị nhiễm các bệnh kế phát. Virus được tìm thấy trong dịch mũi, nước bọt, tinh dịch, phân, nước tiểu của con vật và gió hay chim có thể mang mầm bệnh lây lan đi xa 3km. Bệnh có đặc trưng là hiện tượng sẩy thai ở lợn nái và bệnh về đường hô hấp ở lợn con cai sữa.
Cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào cho rằng dịch tai xanh có thể lây lan trực tiếp qua người, tuy nhiên, việc ăn thịt lợn bệnh cũng ảnh hưởng đáng kể đến sức khoẻ. Đặc biệt, bệnh tai xanh là nguyên nhân phát sinh những bệnh nguy hiểm khác ở lợn như liên cầu khuẩn, bệnh đỏ, dịch tả…Trong đó, bệnh liên cầu lợn có thể lây trực tiếp sang người qua các vết xước trên cơ thể hay qua ăn tiết canh, thịt lợn bệnh thậm chí qua đường hô hấp…và có nguy cơ gây tử vong cao. Khi người bị nhiễm bệnh này thì toàn thân tím tái rất nhanh, sốt cao, thậm chí mê man không biết gì.
Theo các chuyên gia về thú y, bệnh tai xanh cũng như liên cầu lợn chưa có kháng sinh hay phác đồ điều trị. Do đó, để tránh ăn phải thịt lợn bệnh, các chuyên gia khuyến cáo người dân nếu thấy màu thịt khác thường, xuất huyết hoặc phù nề thì không nên mua, không nên ăn và nên nấu chín các món ăn từ thịt lợn. Hơn nữa, do đường lây của bệnh từ lợn sang người rất dễ dàng, cần tuân thủ các biện pháp bảo hộ khi chế biến, giết mổ, chăn nuôi động vật.
Với nguy cơ bùng phát dịch bệnh hiện nay, cần có các biện pháp ngăn ngừa dịch lây lan như cách ly lợn bị bệnh, đào hố chôn lợn bệnh chết…. Bên cạch đó, các hộ chăn nuôi cần chủ động phòng bệnh bằng cách áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, chuồng trại phải thoáng mát, tăng cường chế độ dinh dưỡng, mua lợn giống từ những cơ sở đảm bảo, sử dụng bảo hộ lao động, không mượn dụng cụ chăn nuôi của các trại khác, thực hiện “cùng nhập, cùng xuất” và thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi. Một biện pháp hiệu quả nữa là tiêm phòng vắc xin cho lợn.
Hiện tại, Cục Thú y cũng đã bổ sung dịch bệnh này vào danh mục các bệnh phải công bố dịch hàng năm.