Hàng năm, TPHCM chi hàng chục tỷ đồng để vớt rác trên sông, kênh rạch với hy vọng TP sẽ bớt ô nhiễm. Tuy nhiên, nỗ lực ấy dường như đang chịu thua trước thói quen xả rác bừa bãi của một bộ phận không nhỏ người dân.
Thức khuya, dậy sớm… vớt rác
Cứ 3 giờ mỗi sáng, anh Huỳnh Hữu Hội ở quận 8, công nhân Đội thu gom rác thuộc Xí nghiệp Vận chuyển số 1 – Công ty Môi trường Đô thị TPHCM lại thức dậy, khoác bộ đồ bảo hộ lao động lên người, dắt xe ra, khép cửa cẩn thận, nhẹ nhàng đi khi vợ và cô con gái chưa tròn 4 tuổi còn đang ngon giấc… Những người công nhân thu gom rác trên sông đều bắt đầu một ngày mới lặng lẽ như vậy.
Theo quy định của xí nghiệp: 4giờ 30 phút phải có mặt nên nhiều công nhân ở các huyện ngoại thành phải lóc cóc dậy từ rất sớm. Chạy xe cả tiếng đồng hồ, chẳng bao giờ kịp ăn sáng, các anh tới ngay chân cầu Kiệu, phường 8, quận 3 TPHCM, kiểm tra tàu thuyền, đổ xăng dầu, xếp các thùng rác lên sàn… chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.
Buổi sớm Sài Gòn hơi tê tê lạnh, những con xuồng nằm chờ trên bến, anh Hội cùng các công nhân chuẩn bị lưới, cào, móc câu… và bắt đầu cho tàu chạy dọc các tuyến kênh đang ô nhiễm.
Đúng 4 giờ 30, các anh tỏa ra khắp các nhánh của kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Với anh Hội, hôm nay anh có nhiệm vụ vớt rác trên rạch Bùi Hữu Nghĩa. Tại đây một “điểm đen” về lấn chiếm kênh rạch và ô nhiễm môi trường, với đủ các loại rác trôi lềnh bềnh, phủ kín mặt nước… Nào là túi ni lông, quần áo, vỏ dừa, chăn chiếu rách, xác động vật (chó, mèo, gà, chuột..) thối rữa… tạo thành một khối hỗn hợp lềnh bềnh trên dòng nước đen sền sệt, đặc quánh đến buồn nôn.
Thuyền đi tốc độ vừa phải, anh Hội nhoài người ra tứ phía, tay này dùng vợt lưới úp lên những bao ni lông; tay kia dùng cào mổ vào các thùng xốp lớn đang trôi lềnh bềnh trên kênh, kéo gọn lại rồi nhấc lên, bỏ vào các thùng rác đặt trên thuyền.
Càng đến sát nhà của các hộ dân sống ven kênh rạch, rác càng nhiều. Thậm chí có cả bàn ghế, giường chiếu, tủ gỗ hỏng… nhấp nhô trên dòng nước nổi váng đen. Những vật dụng này rất nặng, không có cào hay vợt nào “chịu nổi”, anh Hội phải xoài người ra, ghé sát mặt nước, lấy hết sức mới kéo lên được. Có một chiếc bàn nặng quá, không vớt được, anh Hội đành lội xuống dòng nước đen ngòm để đưa chiếc bàn đó lên thuyền.
Xế trưa, chiếc thuyền với 8 thùng chứa to đã đầy ắp rác. Trên đường về, những đoạn kênh vừa mới được vớt rác lại thấy… có rác. Anh Hội bức xúc: “Người dân cứ đợi lúc mình không có mặt là xả rác xuống. Có người còn đứng trên cầu (bắt qua kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè) vứt rác xuống đầu chúng tôi và một số người còn vô tư đổ đồ ăn thừa, nước thải xuống kênh.
Đội thu gom, Xí nghiệp Vận chuyển số 1 có 9 chiếc xuồng, với 12 công nhân, 3 cán bộ quản lý, phụ trách vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Mỗi xuồng trang bị 8 thùng. Theo anh Hội, một ngày đội gom về không dưới 6 tấn rác. Anh Lê Quang Vinh, Đội trưởng Đội thu gom than thở: “Mỗi năm đội chỉ được nghỉ hai ngày là mùng 1, mùng 2 Tết âm lịch, nhưng thực ra chiều mùng 2 Tết đã phải có mặt tại bến. Đặc trưng của nghề này, ngày nghỉ “của mọi người” là ngày chúng tôi phải làm việc cật lực nhất!”.
Nắng mưa với nghề
Hai buổi chiều 15 và 16/7 vừa qua, trong cơn mưa tầm tã kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, anh Hội, anh Thanh và các đồng nghiệp vẫn lên xuồng vớt rác. Mưa quất vào mặt, vào người nhưng các anh vẫn cố gắng “chộp” thật nhanh từng mảng rác đang trôi. Anh Nguyễn Thành Em, một đội viên khác tâm sự: “Biết mưa là vất vả, nhưng không làm thì ngày mai vớt không xuể. Mưa chỉ có tác dụng duy nhất là làm mực nước tăng, xuồng đi lại dễ dàng hơn nhưng sau mưa, bao giờ cũng phải có 2 người ở lại trực tát nước (trên thuyền) để sáng mai, mọi người đến là đi ngay”.
Cái nắng hè gay gắt cũng là nỗi ám ảnh đối với người vớt rác. Sáng 17/7, hai anh Huỳnh Hữu Hội và Nguyễn Văn Thanh dong xuồng mang 8 thùng chứa rác đi dọc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đoạn từ quận Phú Nhuận sang Bình Thạnh, quãng đường dài gần 4km. Trước khi đi, tất cả đã cẩn thận mang theo khẩu trang nhưng tới điểm vớt rác, mọi người không khỏi rùng mình… Nước kênh bốc lên mùi hôi thối nồng nặc, thốc thẳng vào mặt những người trên thuyền.
Tuy đã hết sức cẩn thận nhưng trong quá trình vớt rác, nhiều công nhân vẫn bị nước bắn vào mặt, thậm chí vào mắt cho dù họ có mang kiếng bảo hộ. “Bị đau mắt là chuyện thường ngày”, anh Hội giải thích. Trời nắng gắt, gần 2 giờ sau các anh công nhân vào bờ với nửa tấn rác trên xuồng.
Anh Hội, anh Thanh đi rửa tay, ngả lưng bên gốc cây, uống ly trà đá, chuẩn bị cho chuyến vớt rác tiếp theo… Dậy từ 3 giờ và… “ngập đầu” với rác! Giấc mơ về một ngày “chỉ phải đi vớt những chiếc lá vàng rụng trên sông” của anh Hội vẫn còn xa lắm khi rất nhiều người dân vẫn tàn nhẫn, lạnh lùng vứt rác, giết chết những dòng kênh.
Mỗi năm TPHCM chi gần trăm tỷ đồng để “nuôi” 32 xuồng, 1 máy, 8 tàu và 117 người làm công tác vớt rác trên các tuyến sông, kênh, rạch. Tuy nhiên lượng rác vứt xuống sông ngày một tăng lên: Năm 2000 vớt được hơn 11 tấn rác/ngày; đến nay đã vượt xa con số 40 tấn/ngày.
Mặc dù bị nhắc nhở, xử phạt nhưng nhiều người dân vẫn đổ vỏ dừa, vứt bàn ghế, cánh cửa, ván gỗ, thậm chí cả chiếc xe đạp hỏng xuống dòng kênh, gây khó khăn cho việc thu vớt… Chẳng có gì lạ khi trẻ nhỏ ở trong khu vực thường bị các bệnh ngoài da, một vài trường hợp bị sốt xuất huyết, ruồi muỗi thì nhiều vô kể.