Nghèo đói và chất thải

ThienNhien.Net – Theo dự báo, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh ở Việt Nam, lượng phát sinh chất thải từ các hộ gia đình, các cơ sở công nghiệp và thương mại, các bệnh viện sẽ tăng lên nhanh chóng trong thập ký tới đây. Quản lý lượng chất thải này là một thách thức to lớn và là một trong những dịch vụ môi trường đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, không chỉ vì chi phí cho hoạt động này rất lớn mà còn vì những lợi ích tiềm tàng đối với sức khỏe của cộng đồng và đời sống người dân.

Bài viết này phân tích những khía cạnh liên quan giữa chất thải và nghèo đói, nhằm cung cấp tới bạn đọc cái nhìn toàn diện về một trong các vấn đề bức xúc ở Việt Nam hiện nay, liên quan tới cả ba lĩnh vực phát triển: kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời đưa ra một số gợi ý giải quyết tình trạng nêu trên.

Người nghèo chịu thiệt thòi do thiếu dịch vụ thu gom chất thải

Người nghèo là nhóm đối tượng ít được hưởng các dịch vụ thu gom chất thải. Ở các vùng đô thị, khoảng 9 trong số 10 hộ gia đình ở mức nghèo nhất không sử dụng dịch vụ thu gom. Một số trong đó sống gần các khu bãi rác và do vậy có nguy cơ phải hứng chịu các hiểm họa về môi trường và sức khỏe. Chưa có dữ liệu về tác động đối với sức khỏe của người nghèo gây ra do các loại chất thải không được thu gom kịp thời. Nhưng số liệu từ các đợt khảo sát tiến hành ở các vùng có thu nhập thấp ở Hải Phòng, Nam Định, TP Hồ Chí Minh và Cần Tho cho thấy: tỉ lệ người dân bị mắc các bệnh lien quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải không được thu gom khá cao, cỡ 20 – 40%

Hoạt động tái chế tự phát của khu vực phi chính thức

Ở hầu hết các nước đang phát triển, khu vực phi chính thức tham gia vào các hoạt động quản lý chất thải rắn chủ yếu dưới hình thức tạo công ăn việc làm cho người nghèo thong qua các công việc tìm, bới rác và tái chế chất thải. Có rất ít số liệu thống kê về hoạt động tái chế của khu vực phi chính thức ở Việt Nam tính chung cho quy mô toàn quốc. Theo ước tính, trong năm 1997 ở Hà Nội có khoảng 6.000 người làm nghề nhặt rác. Mặc dù con số này (tỷ lệ người dân làm nghề nhặt rác so với tổng dân số đô thị) thấp hơn nhiều so với các thành phố khác thuộc vùng Đông Á, nhưng quy mô hoạt động của khu vực phi chính thức ở Hà Nội khá rộng, ước tính xấp xỉ bằng Jakarta, Bangalore và lớn gấp đôi Malina.

Có một số kinh nghiệm thực tiễn tốt ở các nước đang phát triển về việc chính thức hóa hoạt động tái chế của khu vực phi chính phủ. Dưới đây là hai trong số nhiều địa phương đã thành công trong việc cải thiện các nguồn sinh kế cho người nghèo:

Côlômbia: Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, lãnh đạo giới tái chế chất thải (gồm những người nhặt rác trên đường phố và ở các bãi rác, những người mua đồ đồng nát) đã cùng làm việc với các tổ chức phi chính phủ và cơ quan nhà nước để tổ chức các hợp tác xã tái chế. Năm 1999, Côlômbia có 94 hợp tác xã trong đó có 10% tham gia vào hoạt động tái chế chất thải. Lợi ích mà các hợp tác xã này mang lại bao gồm đào tạo, trợ cấp y tế, chi trả cho các kỳ nghỉ và tiền lương hưu. Điều kiện làm việc của các hợp tác xã tái chế chất thải đã được cải thiện vì người lao động được cung cấp trang thiết bị, được làm việc điều kiện cách ly với bãi rác trong quá trình phân loại chất thải để lấy các vật liệu có khả năng tái chế.

Campuchia: Ở Phnông Pênh, một tổ chức phi chính phủ có tên là Cộng đồng Tái chế và Vệ sinh (CSARO) đã đứng ra tập hợp những người làm nghề nhặt rác thành các tổ chức tự giúp nhau. Mỗi ngày, các nhóm này tiến hành thu gom cỡ 18 – 20 tấn chất thải các loại từ hơn 30.000 hộ gia đình. Thành viên của các nhóm sẽ chuyển chất thải thu gom được đến Trung tâm Quản lý chất thải rắn của CSARO, là nơi sẽ tiến hành phân loại, chế biến chất thải và bán thành phẩm là phân bón hữu cơ com-post. Một phần nguồn thu từ các dịch vụ này được sử dụng để trang trải kinh phí mua sắm vật phẩm, thiết bị. Phần còn lại để tài trợ cho chế độ tín dụng theo nhóm. Chính quyền địa phương cũng trả một khoản chi phí định kỳ cho những người thu nhặt rác để thực hiện các dịch vụ thu gom chất thải.

Tác hại của chất thải đến sức khỏe

Những người nhặt rác thường xuyên phải chịu ảnh hưởng ở mức cao do bụi, mầm bệnh, các chất độc hại, côn trùng đốt trích, các loại hơi, và khí trong suốt thời gian làm việc. Theo một nghiên cứu thực hiện từ giữa thập niên 1990 thì khoảng 78% số nhân công nữ có kết quả thử nghiệm dương tính với các loại trứng ký sinh trùng đường ruột. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy là những người nhặt rác thường hay bị các bệnh cúm, ly, lao phổi, đau dạ dày, tai mũi họng, hen suyễn, các triệu chứng thân nhiệt cao, nhức mỏi, các vết thâm tím nứt nẻ, các vấn đề về da (nổi mụn, ghẻ), về mắt; các bệnh gây bởi động vật ký sinh… và có thể dẫn đến tử vong. Phụ nữ và trẻ em phải chịu gánh nặng sức khỏe quá mức so với vị trí kinh tế và môi trường mà họ được hưởng.

Giới và chất thải

Ở Việt Nam, phụ nữ có vai trò chủ chốt trong các hoạt động quản lý chất thải. Ở nhiều thành phố, phụ nữ chiếm phần đông trong ngành nghề thu gom rác bằng xe đẩy và làm vệ sinh đường phố, một nghề có thu nhập thấp nhưng mang tính ổn định lâu dài. Mặc dù ở các nước khác của châu Á, việc các lao động nữ hoạt động trong lĩnh vực tái chế thuộc khu vực không chính thức đã khá phổ biến, nhưng số phụ nữ Việt Nam làm các công việc lien quan đến chất thải rắn được đánh giá cao nhất trong khu vực. Ví dụ như ở Hà Nội, 66 % những người làm nghề nhặt rác trên đường phố, buôn bán đồng nát rong hay tại các cơ sở thu mua phế liệu trên hè phố là phụ nữ. (Bảng)

Nam giới thường kiếm được tiền nhiều hơn với nghề bới nhặt rác từ các bãi phế thải, bởi họ có khả năng làm việc vào ban đêm tốt hơn, là thời điểm mà các xe rác tập kết đến bãi đổ chính. Nam giới cũng thường chiếm ưu thế trong các nghề nghiệp có thu nhập cao không chỉ trong khu vực kinh tế chất thải tư nhân với các vị trí như người bán buôn và chủ các cơ sở tái chế mà còn cả trong khu vực kinh tế chất thải của nhà nước, ví dụ như làm lái xe chở rác hoặc quản lý.

Dự án Tín dụng nhỏ tăng thu nhập cho những người nhặt rác thuộc giới nữ được trình bày sau đây là một ví dụ về chương trình nâng cao nguồn sinh kế cho phụ nữ làm nghề thu gom và chế biến rác ở Hải Phòng: Tại xã Tràng Minh, Hội Phụ nữ đang quản lý một chương trình tín dụng cấp các khoản vay nhỏ cho các phụ nữ làm nghề nhặt rác hoặc chế biến chất thải. Tính đến năm 2004, có 440 phụ nữ đã được vay các khoản tín dụng nhỏ từ 0,5 đến 1,5 triệu đồng. Nhiều người trong số này đã được sử dụng khoản tín dụng được vay để mua các lọai vật liệu nhựa cũ rồi đem buôn bán với giá cao hơn nhiều so với bán lẻ. Dự án đang hoạt động năm thứ 4, và tỷ lệ hoàn trả vốn vay của chương trình này đạt 100%. Phụ nữ tham gia trong dự án được đào tạo, tập huấn về vệ sinh, sức khỏe và quản lý tài chính.

 Thành phố (Quốc gia) Tỷ lệ người nhặt rác
là phụ nữ 
Tỷ lệ người nhặt rác
là trẻ em 
 Hà Nội (Việt Nam)  60% (Nhặt rác trên
phố và buôn bán
đồng nát rong)
9% (nhặt rác trên
phố và buôn bán
đồng nát rong)
 Phnôm Pênh
(Campuchia)
38% (Nhặt rác trên 
phố) 
51% (nhặt rác
trên phố)
 Vũ Hán (Trung Quốc) 46%  Không có số
liệu 
 Hyderabad (Ấn Độ) 28% (nhặt rác trên
phố)
42% (nhặt rác ở
bãi rác) 
 4% (nhặt rác trên
phố)
15% (nhặt rác ở
bác rác)
 Băng Cốc (Thái Lan) 52% (nhặt rác
ở bãi rác) 
Không có
số liệu

Trẻ em và chất thải

Trẻ em thường tham gia trong khu vực kinh tế chất thải phi chính thức với vai trò là những người làm nghề bói, nhặt rác trên đường phố và tại các bãi rác. Có rất ít trường hợp là người buôn bán đồng nát rong. Gần 9% người làm nghề nhặt rác trên phố Hà Nội là trẻ em. Động lực chủ yếu để trẻ em làm nghề nhặt rác là kiếm sống cho bản than và cho gia đình. Nhiều trẻ em phải bỏ học khi bước vào nghề này, vì việc học cùng lúc với kiếm sống bằng nghề nhặt rác là một công việc quá sức. Trẻ em làm việc trong nghề phải chịu nguy cơ rủi ro rất lớn về sức khỏe, và tỷ lệ mắc các bệnh lien quan đến chất thải như các bệnh về hô hấp, truyền nhiễm, giun sán cao hơn nhiều so với thong thường. Ở Hà Nội, đã có nhiều nỗ lực được triển khai nhằm giảm số lượng trẻ em làm việc tại bãi rác.

Đánh giá tác động của việc cấm trẻ em làm nghề thu nhặt chất thải ở các bãi rác: Bắt đầu từ năm 2001, trẻ em dưới 16 tuổi bị cấm không vào bãi chôn lấp Nam Sơn (Hà Nội) và chính quyền địa phương cũng hạn chế mọi đối tượng thu nhặt rác vào khu vực chon lấp trong thời gian từ 2 đến 7 giờ sang. Trước khi lệnh cấm ban hành, có khoảng 500 trẻ em làm việc trong khu vực này mà hầu hết đều sinh sống ở các làng lân cận, trong đó có khoảng 34% đã bỏ học. Lệnh cấm tác động đến số trẻ em làm nghề nhặt rác như thế nào? Chúng làm gì để thay thế nghề trước đây? Hai câu hỏi này đã được Viện Nghiên cứu Thanh niên Việt Nam tập trung tìm hiểu. Kết quả nghiên cứu cho thấy: sau khi có lệnh cấm, chỉ còn 50 em tiếp tục làm nghề nhặt rác. Nhóm nghiên cứu đã không thể lien lạc được với gần 37% số trẻ em trước đây hành nghề thu nhặt rác ở khu vực này để điều tra, tìm hiểu xem tại sao các em từ bỏ việc làm đó và hiện nay đang làm gì để thay thế. Với số còn lại, hầu hết trả lời là các em từ bỏ công việc này do điều kiện làm việc không tốt. Khoảng ba phần tư số trẻ em này không thể tìm được công việc gì thay thế. Trước đây, đa phần các em đều đã làm nghề nông do không có nghề khác trong vùng.