Vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, vừa thành thạo tin học vừa lăn lộn thực địa, nhóm nghiên cứu GIS thuộc Trung tâm Sinh thái nông nghiệp (ĐH Nông nghiệp I), dù đều còn rất trẻ, đã có kết quả công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Nhóm nghiên cứu trẻ
Dẫn chúng tôi đến căn phòng bé xíu, chỉ chừng 5m2, Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp I Trần Đức Viên giới thiệu: “Nhiều địa phương sợ “cái này” lắm. Đất đai mất bao nhiêu, rừng mất bao nhiêu, không cãi đi đâu được”.
Đó là phòng GIS (Geographic information system – Hệ thống định vị toàn cầu) của Trung tâm Sinh thái nông nghiệp. Các nghiên cứu viên đang chăm chú nhìn vào màn hình, tất cả họ đều dưới 30. Trần Trung Kiên, nghiên cứu viên của nhóm GIS phóng to ảnh trên màn hình: Từ một vùng xanh biếc, hiện dần lên hình một con sông.
“Đây là lưu vực sông Cả. Chúng tôi đang so sánh ảnh khu vực này hiện nay với ảnh những năm trước”… – Kiên giải thích – “Cơ sở khoa học của nghiên cứu này là tất cả các đối tượng trên mặt đất đều bức xạ lại quang phổ theo nhiều cách khác nhau. Dựa trên quy luật tương tác giữa thảm che phủ và năng lượng điện tử, nhóm nghiên cứu phân biệt được các lớp thảm che phủ từ ảnh vệ tinh: thảm thực vật dày (cây cao, to hoặc rừng già), thảm thực vật kém dày hơn (các khu rừng cây to đã bị khai thác gần hết, rừng tái sinh), thảm thực vật cỏ và cây bụi (cây thấp, tre nứa, thực vật tái sinh cùng cỏ sau khi dọn nương), đất trống đồi trọc (nương rẫy, đất vườn tạp, khu dân cư và các vùng đất đang tiến hành canh tác nông nghiệp)”.
Đó là một phần công việc của dự án nghiên cứu tác động của chính sách đến quản lý tài nguyên rừng và sinh kế của người dân thượng nguồn sông Cả – một dự án hợp tác với Viện Địa lý của ĐH Copenhagen (Đan Mạch). Khác với hình dung ban đầu của tôi là các nhà “khoa học nông nghiệp” luôn “chân lấm tay bùn” – các nghiên cứu viên ở đây thao tác máy tính hết sức thành thạo.
“Nghiên cứu ở đây chủ yếu trên máy tính?” – Tôi hỏi.
“Cũng phải nghiên cứu thực địa nhiều chứ. Ở bản hàng tuần là chuyện bình thường” – Kiên cười.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, trưởng nhóm nghiên cứu GIS, người vừa “chân ướt chân ráo” sau chuyến thực địa từ Hà Tĩnh về cho biết: Dùng ảnh vệ tinh viễn thám kết hợp với điều tra thực địa, nhóm nghiên cứu đã thấy sự tác động rất rõ rệt của chính sách nhà nước tới phát triển rừng. Điều tra ở Kỳ Anh cho thấy, khi thực hiện chương trình 327 (giao đất giao rừng), những xã nào thực hiện chính sách hỗ trợ tốt chương trình 327 thì “vùng xanh” trên ảnh vệ tinh viễn thám đậm hơn và rộng hơn. Cũng qua ảnh vệ tinh viễn thám, có thể nhận thấy những xã ở Kỳ Anh thực hiện chương trình 661 (trồng mới 5 triệu ha rừng) có hiệu quả hơn những xã thực hiện chương trình 327.
“Xem ảnh vệ tinh viễn thám, thấy ngay diện tích rừng ở Việt Nam không được như những con số công bố. Dù sao thì những năm qua, diện tích rừng cũng đã tăng lên” – Thu Hà nói.
Không chỉ nghiên cứu dùng ảnh vệ tinh để quản lý tài nguyên rừng, nhóm nghiên cứu còn thực hiện các dự án quản lý tài nguyên nước, ảnh hưởng của thủy văn tới mùa vụ ở Hòa Bình và Nghệ An. Một hướng nghiên cứu khác được nhóm đặt nhiều kỳ vọng là dự đoán năng suất cây trồng, cũng qua ảnh vệ tinh.
“Từ ảnh vệ tinh, có thể tính được khả năng hấp thụ ánh sáng quang hợp của cây trồng. Phối hợp với nhiều yếu tố thực địa khác như tưới tiêu, sâu bệnh, người ta có thể dự đoán năng suất được trước 1 tháng rưỡi” – Thu Hà cho biết.
Trong chuyến thực tập ở Mozambique và Nam Phi mấy năm trước, Thu Hà đã dự báo năng suất mía ở đây với độ chính xác khoảng 80%. Tới đây, Thu Hà sẽ làm luận án tiến sĩ ở Hà Lan về dự báo năng suất cây trồng ở Việt Nam bằng ảnh vệ tinh. “Diện tích trồng trọt càng lớn, dự báo càng chính xác. Vì thế trước hết chúng tôi chỉ nghiên cứu ở miền Nam”. Thu Hà hy vọng sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, mức độ chính xác sẽ còn cao hơn nữa.
Dự báo trước được sản lượng cây trồng rất hữu ích cho cả nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu và nhà quản lý. Lợi ích lớn, song phần lớn ảnh vệ tinh để dự báo năng suất cây trồng lại có thể khai thác… miễn phí. “Thậm chí ảnh mất tiền, độ phân giải cao lại không dùng để dự báo được vì chu kỳ cập nhật dài (trên dưới 1 tháng), lúc đó cây trồng có khi đã thu hoạch cả”. “Chúng tôi lấy ảnh miễn phí của NASA, được cập nhật hằng ngày” – Thu Hà cho biết thêm.
Khuyến khích nghiên cứu, đãi ngộ công bố
Nhờ hợp tác nghiên cứu với các tổ chức nước ngoài, như dự án Nghiên cứu và quản lý tài nguyên lưu vực sông cả (Quỹ Rockefeller), Nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái nương rẫy tổng hợp (Quỹ Ford), Dự án phát triển nghề vườn ở Đông Phi và Đông Nam Á (Ủy ban châu Âu) mà nhiều thành viên trong Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp, dù còn rất trẻ, cũng đã có bài đăng trên các tạp chí quốc tế. Đặc biệt Thu Hà đã có bài đăng trên 2 tạp chí chuyên ngành rất uy tín là Agricutural System và Elsevier Direct. “Uy tín của Elsevier Direct chỉ sau Nature” – Hà cho biết.
Hà và các đồng nghiệp trẻ của mình có lý do để nỗ lực nghiên cứu. Trường ĐH Nông nghiệp I có “Quy định về quản lý hoạt động KHCN” (Hiệu trưởng Trần Đức Viên gọi đùa đó là “hương ước trường”), theo đó giảng viên có bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế theo ISI hay SCI thì được “bù” tương đương 200 giờ dạy và thưởng 10 triệu đồng. Ngoài ra, ai có công bố quốc tế thì “mặc nhiên” được công nhận là giảng viên dạy giỏi hoặc Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. “Có GS già bất mãn với quy định này, tôi bảo: thì ông cứ công bố được như “chúng nó” đi. Thế là họ thôi” – Hiệu trưởng Trần Đức Viên kể.
Có lẽ ông là một trong số ít “quan chức” của các trường đại học mà tôi từng gặp có ý thức rõ ràng về việc phải “vừa khuyến khích, vừa thúc ép” các giảng viên trẻ của mình nghiên cứu khoa học. Chính lực lượng trẻ là động lực để thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong trường.
“Tôi quy định khoa nào cũng phải tìm được một phó khoa tuổi dưới 40, từng học ở nước ngoài về” – Ông Viên cho biết.
Những ai “trốn” nghiên cứu cũng phải “trả giá”. “Hương ước trường” quy định: Giảng viên 2 năm liên tục không nghiên cứu thì không được dạy lý thuyết cho các bậc đại học; giảng viên có học vị từ tiến sĩ trở lên, có chức danh từ giảng viên chính trở lên, nếu 2 năm liên tục không nghiên cứu thì không được hướng dẫn thạc sĩ và nghiên cứu sinh…
Tuy nhiên, với Thu Hà, lý do để cô vừa giảng dạy, vừa lao vào nghiên cứu không phải vì sợ “phạt” hay để “được thưởng”, mà vì: “Nhiều sinh viên hiện nay không còn thụ động như xưa, họ hỏi nhiều câu rất “hóc”. Sau này đào tạo theo tín chỉ, không có kiến thức thật sự, không còn ai theo học”.
Còn vài ngày nữa là Hà “xuất ngoại” làm tiến sĩ. Tôi hỏi đùa: “Xong tiến sĩ, chị có định đi khỏi trung tâm không?”. Hà lắc đầu dứt khoát: “Không. Trước đã từng có nhiều người đi học nước ngoài về, nhưng chưa ai bỏ Trung tâm này cả”.