Thay đổi thói quen xả rác: Không dễ !

Tại Chợ Lớn, quận 6 – TPHCM, bây giờ không còn cảnh nhếch nhác rác vương vãi nhiều nơi, con đường này sạch, hầu như không có một cọng rác. Ông Trần Văn Danh, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Công ích quận 6, cho biết: “Mỗi ngày công nhân phải làm hai ca mới giữ cho đường được sạch như vậy. Đường lớn là bộ mặt của quận nên cũng phải coi cho được”. Và người dân cũng dần nhận thấy ý nghĩa của việc phân loại rác.

Hẻm sạch, nhà mát
Quận 6, nơi từng là điểm nóng về rác, được tổ chức làm thí điểm về phân loại rác tại nguồn. UBND các phường phải chịu trách nhiệm về việc tình hình vệ sinh sạch đẹp ở địa bàn của mình.
So với nhiều nơi, việc giữ gìn vệ sinh chung ở khu vực này được làm khá tốt. Trước mỗi căn nhà đều có hai thùng rác, một màu xám, một màu xanh. Dọc theo nhiều hẻm trên các con đường Phạm Văn Chí, Minh Phụng, Hậu Giang… hiếm thấy rác xả bừa bãi.
Chỉ vào hai thùng rác trước một ngôi nhà, ông Võ Minh Toàn, hẻm 321 đường Phạm Văn Cội, giải thích: “Hai thùng rác để chứa hai loại rác khác nhau: rác vô cơ và rác hữu cơ. Người dân phân loại và bỏ vào hai thùng này. Công việc giờ đã thành thói quen”. Theo ông Toàn, nhiều gia đình đã nhận thức được việc phân loại rác như trên là có lợi cho chính gia đình mình và cho cộng đồng. “Vì sạch nhà chưa đủ, sạch hẻm, sạch đường mới đem lại môi trường sống tốt hơn” – ông Toàn nói.
Nếp sinh hoạt văn minh
Hiện nay, quận 6 có 9/14 phường làm công tác phân loại rác tại nguồn này. Môi trường sống của người dân tốt lên thấy rõ. Ông Phạm Văn Coi, một người dân ở tổ 47, khu phố 3, phường 3, kể trước đây các hộ gia đình ở trong hẻm chờ tối đến là đem rác để ra lề đường, rồi người lượm rác xổ tung lên và sau đó là đến lũ chuột hoang. Hậu quả là đường đầy rác, mùi hôi xông thẳng vào nhà, cống thoát nước bị nghẹt vì chất thải. Mùa mưa đến, mấy con hẻm bị nước lên gây dơ bẩn.
Ông Coi nhận thấy việc phân loại rác mang đến nhiều ưu điểm: “Rác sau khi được phân loại có thể tái sinh, tái chế hoặc làm phân bón. Không những có lợi về kinh tế mà cả môi trường và mỹ quan đều tốt hơn”. Vì thế, cả nhà ông Coi, từ ông đến con, cháu đều có thói quen phân loại rác trước khi đem đi đổ. Cả khu phố cũng có nhiều gia đình làm thế, tạo một nếp sinh hoạt văn minh trong cộng đồng.
Ý thức là quan trọng nhất
Dự án phân loại rác tại nguồn được thực hiện từ tháng  06/2006. Quận 6 có 9 phường tham gia nhưng tỉ lệ đạt được giữa các phường khá chênh lệch nhau: Phường 9 đạt được 30% số hộ thực hiện; phường 3 đạt được 87%. Số hộ trong một phường tham gia cũng thay đổi theo từng thời điểm.
Theo thống kê, ban đầu phường 3 có khoảng 87% hộ tham gia, đến thời điểm giữa dự án còn khoảng 79% và đến nay còn khoảng 70%. Ông Lê Tâm Hiếu, trưởng khu phố 3, phường 3, nơi được cho là làm tốt nhất công tác này, cho biết việc từ bỏ thói quen vứt rác lung tung, không phân loại rác cần phải có thời gian. Điều quan trọng là xây dựng ý thức tự giác của mỗi cá nhân. “Người ta nghe tuyên truyền, vận động thậm chí bị xử phạt nhưng… rồi người ta vẫn không “thấm” thì đâu lại vào đấy” – ông Hiếu nhấn mạnh. Ý kiến của ông Hiếu cũng là nỗi lo của Công ty Dịch vụ Công ích quận 6.

Nói và làm: Khoảng cách còn xa
Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết khoảng cách giữa “nói và làm” trong việc thực hiện vệ sinh đô thị của người dân còn khoảng cách quá xa. Tình trạng nói giữ vệ sinh nhưng hành động ngược lại là chuyện thường ngày. Ý thức về giữ vệ sinh nơi công cộng còn kém. Cũng theo ông Việt, khó khăn lớn nhất trong công tác phân loại rác tại nguồn là dân nhập cư đổ về TP quá nhiều. TPHCM với đa dạng những thói quen sinh hoạt trong cả nước nên rất khó tạo thành tập quán mới. Vì thế, để “dân hiểu, dân làm” cần có một thời gian để thay đổi nhận thức, thói quen của họ. Thời gian đó dài hay ngắn tùy thuộc vào cách triển khai, hành động của các cấp quản lý môi trường.