Mỗi sáng tinh mơ, một người đàn ông cọc cạch trên chiếc xe đạp vượt vài cây số đến vườn lan bầu bạn với hoa trước khi đến sở làm như bao cán bộ công chức cần mẫn khác. Mười năm như thế đã kịp cho người si tình hoa lan ấy lập cho mình khu vườn rộng 4.000 m2 với hơn 15.000 gốc lan nhiều chủng loại và một góc cù lao rộng 2 ha phủ kín lan rừng, một đảo lan rừng lạ lùng trên vùng ngập mặn. Người đàn ông ấy tên Phạm Văn Dưỡng, Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai.
Giữa vườn lan, ông cục trưởng ấy chỉ là một nông dân quần cộc, áo thun hào sảng, say hoa và là tay thiết kế vườn hoa khá giàu ý tưởng.
Ông cho đào ao thả cá, bắc giàn bên trên cho hoa lan soi bóng mình vào gương nước. Bước vào vườn lan rộng 4.000 m2 với hơn 10 giống lan ngoại như hồ điệp, cattleya, mokara, denro, vanda… mà như lạc vào khu rừng đầy màu sắc. Nơi ấy có những lối mòn in dấu rêu phong, lan hồn nhiên chen nhau sinh sôi trên núi đá nhân tạo bên dưới có giếng cạn lác đác vài con thủy cầm, ếch nhái; lan thanh thản chen chúc trên giàn gỗ, có “cõi về”, chốn “mộng mơ” với tượng vệ nữ bên hoa, hàng rào bám đầy lan kia là “thành lũy”. Đây thật sự là khu vườn nghệ thuật của người đam mê thú chơi lan, thú sưu tầm đá, ngẫu tượng.
Ông cục trưởng làm nông dân
Dạo bước theo ông chủ vườn, ta càng thấy ở ông công chức này cái chất nông dân Nam Bộ mang cốt cách chịu chơi phóng khoáng, dám lộn trái túi theo đuổi đam mê. Mười năm trước, Hai Dưỡng đã lội sình cuốc đất, đào mương để cải tạo vùng đất trũng chỉ còn lớp đá sỏi bạc màu nơi vốn là mỏ khai thác đất của lò gạch, chi chít ao nhỏ, hố to. Ông không ngại ngụp hầm lấp hố để trồng lúa, rồi quay sang đào ao nuôi cá, chăn vịt nhưng hiệu quả chẳng là bao.
Hai Dưỡng quyết định đưa 100 chậu lan trồng thử nghiệm trên mảnh đất… khó nuốt này. Với lưng vốn được đào tạo bài bản về lâm nghiệp, nhiều năm lội rừng khi còn là cán bộ quản lý của lâm trường huyện Long Thành, Đồng Nai, Hai Dưỡng tự tin dốc sức vào cuộc chơi. Nói về 10 năm trồng lan, ông chỉ xòe bàn tay buông một câu nhẹ bẫng: Tôi chai cả tay mới có ngày này, đúng là “trần ai khoai củ”…
Mười năm đủ biến đổi vùng ven hẻo lánh khi xưa thành phố thị, sẽ là khu công nghiệp trong tương lai. Vườn lan cũng rơi vào tình trạng quy hoạch… treo nhưng Hai Dưỡng vẫn ngồi xe đạp đi về với hoa. Giấc mơ hoa của ông vẫn nguyên vẹn nét huy hoàng vì ngoài vườn lan này, Hai Dưỡng còn một tài sản vô giá khác là đảo lan rừng trên đất cù lao bên sông ông Kèo ở xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Nơi đó mới chính là tâm huyết cả đời ông hướng tới, một đảo lan rừng đẹp cả sắc lẫn hương.
Bắt đất phèn nở hoa
Để viết nên câu chuyện cổ tích về loài phong lan nở hoa trên đất phèn hoang hóa chỉ toàn chà là, cóc kèn, ô rô…, từ năm 1997, Hai Dưỡng đã bắt tay vào khai hoang, cải tạo đất bằng cách đặt cây tràm xen lẫn những gốc hoa mai. Thất bại với mô hình trồng hoàng mai vì những người qua khu này thi nhau bứng gốc mai, phá rừng tràm. Ông thuê người lên ở hẳn trên đảo để giữ hoa. Vài năm trước bao nhiêu công sức, mồ hôi của Hai Dưỡng trôi sông do một người đốt rẫy vô ý làm lửa lan rộng cả vùng. Không nản lòng, ông lại đặt cây tràm vào đất chuẩn bị cho giấc mơ đón hoa về với rừng ngập mặn.
Nuôi được lan rừng nở hoa giữa lòng đô thị không phải chuyện ngày một ngày hai. Ông phải dày công thử nghiệm để tìm được cách buộc loài hoa của núi rừng về đồng bằng tỏa hương cho người. Mười năm trong nghề trồng lan, ông có thể tự hào về biệt tài cứu sống cả những gốc lan rừng mà người bán… cho không vì vô phương cứu chữa. Đó cũng là lúc Hai Dưỡng quyết định những bước tiến táo bạo trong cái nghiệp gắn bó với hoa của mình, đưa lan rừng về sống với cây tràm trên vùng đất bạc màu nhiễm mặn.
Khi đất cù lao bên sông Ông Kèo ồn ào vì các đại gia từ TPHCM kéo về mở khu du lịch Bò Cạp Vàng, Đảo Sư Tử, Đảo Gió… thì tận đất mũi cù lao, đảo lan rừng của Hai Dưỡng vẫn an nhiên, tự tại giữa hoang sơ. Khi thuyền chúng tôi trôi về phía đảo lan, ông Hai Dưỡng thích đùa phân giải: “Người ta giàu thì mua đất lộ, nhà mình nghèo nên đành ở hẻm”. Với khách chốn thị thành, con đường hẻm vào đảo lan Hai Dưỡng quá đỗi nên thơ, dòng sông lười lặng lờ trôi giữa hai bờ là bãi hoang yên bình xanh mát.
Đến đảo lan nhưng tôi chỉ thấy ngập vàng hoa tràm, lan rừng bám đầy thân tràm nhưng chỉ lác đác vài cụm hoa nở muộn. Ngoài vô số cụm lan treo mình khắp thân tràm, lan còn được bố trí khá độc đáo theo ngẫu hứng của người trồng trên những gốc cây xù xì, chất đá thành núi tạo cảnh sơn thủy hữu tình nơi lan ở, có cả “nữ thần” canh giấc ngủ cho hoa, có “đường thương nhớ” với lan rừng bám dọc hai bên lối vào, có “võng thời gian” kết bằng gỗ chở đầy lan dại…
Rừng lan có nhiều võng lan vì Hai Dưỡng muốn hoài niệm về một thời rừng trường sơn không chỉ có bom đạn mà còn có hình ảnh người lính ba lô trên vai mang theo nhánh lan rừng đầy thơ, đầy mộng.
Đang viết tiếp sự tích đảo lan rừng
Sông Ông Kèo trải dài bao bọc cả miền cù lao ở xã Phước Khánh như bộ máy khổng lồ điều hòa khí hậu nơi đây. Ông chủ đảo lan còn xẻ đất rừng dọc ngang như địa đạo, tạo hệ thống mương nước làm dịu mát vùng hoa. Cách làm của Hai Dưỡng quả không đụng hàng. Lan rừng do ông trồng chỉ uống hơi nước, sương đêm, chắt lọc tinh túy của đất trời mà kết nụ tỏa hương. Trồng tràm thành từng hàng cách nhau 2 m cũng là cách ông xây nhà lưới bằng tán lá để bảo bọc loài hoa vương giả rất kén chọn môi trường sống này.
Hai Dưỡng như con ong chăm chỉ tìm hoa, khi thì cặm cụi nơi vườn lan trong thành phố, lúc lại bỏ cả tháng ngủ rừng làm ông tơ xe duyên cho hoa lan bén với cây tràm. Nhìn rừng lan với hàng trăm loài hoa, sản lượng phải tính bằng đơn vị tấn mới thấy lòng say mê, sức lao động Hai Dưỡng thật bền bỉ. Ông chỉ vào cây tràm gần 10 năm tuổi có rễ lan chạy dài và gọi đó là tuyệt tác của thiên nhiên. Ông chăm chút, nâng niu từng khóm rễ với niềm vui thấy những đứa con khỏe mạnh chào đời.
Hai Dưỡng vẫn đang viết tiếp sự tích của đảo lan rừng trên vùng ngập mặn, chờ một ngày cả đại ngàn về đây khoe sắc tỏa hương.