Nước thải của quá trình xeo giấy mang theo khoảng 25% bột, giấy thông thường được đổ thải trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường. Bằng công nghệ tuyển nổi, Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và phân tích (Sở KH&CN Hà Nội) có thể thu hồi lại 90% lượng bột giấy trong nước và xử lý tái sử dụng nước thải công đoạn xeo giấy với giá thành chi phí đầu tư chỉ bằng 60-70% nhập ngoại.
Hiện nay, công nghệ đã được chuyển giao cho Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ (TP Thái Nguyên), Việt Thắng (Hà Tây) và đang tiếp tục xây dựng cho các nhà máy, xí nghiệp sản xuất giấy, xeo giấy ở xung quanh Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.
Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ những năm trước nổi cộm tình trạng xả thải, gây ô nhiễm môi rường. Phần lớn nước thải của nhà máy vẫn được thải ra sông Đáy mà không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Từng dòng bột trắng theo đòng nước chảy ra ven sông kết thành những bè lớn nhỏ bốc mùi và huỷ hoại môi trường nước.
Không chỉ Hoàng Văn Thụ mà ở các nhà máy, xí nghiệp giấy đều chưa có hệ thống tuyển nổi. Toàn bộ nước thải của công đoạn xeo giấy thường được dẫn ra một hồ chứa, có thể pha thêm hoá chất keo tụ để lắng đọng bột trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, lượng bột thu hồi lại là rất ít, chậm và chất lượng, hiệu quả sử dụng không cao.
Theo KS Nguyễn Hữu Luân, Phó giám đốc Trung tâm, Giám đốc VP tiết kiệm năng lượng Hà Nội, thực tế trong quá trình xeo giấy, nước thải mang theo 20-25% bột giấy. Nếu không thu hồi được mà thải trực tiếp ra môi trường thì vừa gây ô nhiễm nghiêm trọng vừa lãng phí một nguồn nguyên liệu rất lớn.
Với công nghệ này, nước thải từ các nguồn phát thải của công đoạn xeo giấy được thu gom vào một bế chứa. Bể chứa này có tác dụng làm ổn định nguồn cung cấp cho hệ thống. Nước thải được kiểm tra các thông số kỹ thuật, bơm lên thiết bị trộn khí và được cấp khí bằng thiết bị máy nén. Thiết bị trộn khí và nước thải có tác dụng tạo áp suất cho quá trình trộn hoá chất; đồng thời còn có tác dụng đưa bọt khí làm nổi các cơ sợi bột giấy. Nước thải được phối trộn các hoá chất bằng một bom định lượng ở vị trí đường ống dẫn nước thải qua hệ thống một bể trộn tuyển nổi. Hoá chất sẽ được trộn đều kết hợp với nước thải mang theo bọt khí bằng phương pháp tạo xoáy cơ học.
Dưới tác dụng của hoá chất và bọt khí, các sơ sợi giấy sẽ nổi lên và chảy tràn qua một hệ thống bể tuyển nổi huyền phù. Bể này sẽ làm tĩnh dòng chảy và không gây sự xáo trộn trong quá trình tách pha giữa nước trắng và hệ huyền phù mang sơ sợi bột giấy.
Nước trắng đã tách pha sẽ được thu hồi chuyển sang bể khác bằng hệ thống ống đặt dưới đáy bể. Bể mới sẽ điều chỉnh mức nước cho bể thu hồi huyền phù để huyền phù mang sơ sợi bột giấy không mang lẫn nhiều nước. Sơ sợi bột giấy nổi lên sẽ được hệ thống cánh gạt chuyển qua hệ thống bể thu hồi bột giấy và quay trở lại hệ thống xeo làm nguyên liệu tái sản xuất. Nước trắng sau khi xử lý tại bể thu sẽ quay trở lại tái sử dụng trong các công đoạn sản xuất.
Trong tất cả các công đoạn, việc xác định hoá chất để bột giấy phản ứng kết tụ và thời gian hợp lý để bột nổi là quan trọng nhất, quyết định lượng bột thu hồi.
KS Luân cho biết, bằng phương pháp này, khoảng 90% lượng bột giấy trong nước thải của quá trình xeo sẽ được thu hồi tái sản xuất với chất lượng đảm bảo. Như vậy, toàn bộ quy trình là khép kín, tuần hoàn, lượng thải ra ngoài là rất ít và giảm tới 70% lượng COD trong nước. Nước thải nếu được xử lý qua về nồng độ hoá chất sẽ đảm bảo tiêu chuẩn loại B nước thải.
Các dây chuyền công suất từ 10, 30 đến 40 tấn/ngày đã được lắp đặt và vận hành trong các nhà máy giấy đạt hiệu quả. Trung tâm đang nghiên cứu ứng dụng chuyên giao công nghệ cho các hộ gia đinh, làng nghề sản xuất, tái chế giấy như Phong Khê (Bắc Ninh) ở dạng các Modul. Bởi với dặc trưng làng nghề tái chế, sử dụng và sản xuất các loại giấy khác nhau với công suất nhỏ nên việc lắp đặt dây chuyền xử lý tập trung sẽ rất khó khăn và không mang lại hiệu quả.
Toàn bộ công nghệ thiết bị đều được nghiên cứu, thiết kế chế tạo trong nước. Vì vậy, trung bình với dây chuyền công suất khoảng 30 tấn/ngày, giá thành chỉ bằng 60% so với so với các dây chuyền công nghệ thiết bị nhập trong khu vực và bằng 40-50% so với công nghệ các nước châu Âu. Đặc biệt, với các modul lắp cho hộ gia đình làng nghề, dự tính khoảng sau 4-6 tháng là hoàn vốn đầu tư.