Thực hiện Thông tư số 56 của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về ký cam kết bảo vệ rừng ở cộng đồng thôn, bản, huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã có trên 10.000 hộ và chủ rừng ký cam kết bảo vệ rừng. Hiện nay, công tác quản lý đất lâm nghiệp, giao đất, giao rừng cho các hộ cá nhân, tập thể khá ổn định, sử dụng lâu dài với thời gian 50 năm. Dự án 661 đã ký hợp đồng cho 14/ 23 xã, thị trấn giao nhận, khoán, bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng.
Công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) được các cơ quan chức năng chú trọng quan tâm đúng mức. 100% các xã, thị trấn đều có hệ thống truyền thanh làm tốt công tác tuyên truyền đến tận người dân về công tác phát triển và bảo vệ rừng. Nhân viên kiểm lâm các xã, thị trấn đều phối hợp chặt chẽ với công an, quân đội, thanh niên xung kích cử người tuần tra, canh phòng và vận động nhân dân xử lý thực bì, nhất là vào mùa khô; căn cứ vào dự báo cấp cháy rừng của Hạt Kiểm lâm huyện để triển khai phương án PCCR kịp thời. Năm 2007 huyện đã thành lập 24 ban chỉ đạo PCCR với 420 người tham gia.
Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huyện đã xây dựng 3 mô hình tự quản trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại 23 xã và thị trấn đã góp phần nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của chủ rừng, cùng với nhân dân ngăn chặn những hành vi xâm hại và hủy hoại tài nguyên rừng.
Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các chủ rừng đều gặp khó khăn về vốn đầu tư; giá sản phẩm bấp bênh không ổn định; quy hoạch về diện tích rừng trồng và diện tích khoanh nuôi của các chủ rừng chưa hợp lý; nhiều diện tích khoanh nuôi chất lượng còn thấp nhưng không được chuyển đổi sang diện tích rừng trồng… Trước tình hình đó, huyện Thanh Sơn đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và chủ rừng vay vốn đầu tư phát triển rừng, mở rộng thị trường, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; tiến hành quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp, đồng thời tăng cường trách nhiệm quản lý của các cấp, các ngành đối với rừng và đất lâm nghiệp, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm luật…