Gần 100 người dân mỗi ngày chen chúc nhau lấy nước trong một đoạn khe nhỏ để ăn uống và tắm giặt. Đoạn khe nước này chỉ dài chừng 50m chảy qua địa bàn phường 4, thị xã Đông Hà (Quảng Trị) . Xung quanh khe nước, cây cối mọc um tùm; nước đùng đục, nhờn nhờn.
Giữa trưa nắng và gió Lào rát bỏng, người dân lao động đang chen chúc nhau múc từng can nước ngầu đục mang về lắng lọc để dùng. Sau khi hai người múc đầy 4 can nhựa, cái “giếng” này nhanh chóng trơ đáy. Những người còn lại phải xếp hàng đợi nước trong khe đá chảy về để múc tiếp.
Ông Bùi Xuân An, Bí thư chi bộ khu phố 3, phường 4, cho biết: “Nước chảy ra từ dưới chân của nghĩa địa, nơi có hàng trăm ngôi mộ lớn”.
Khu phố 3 có gần 100 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu đã phải uống nước đục, mất vệ sinh từ mấy chục năm qua. Mùa hè nắng hạn, ở khe nước “nghĩa địa” cạn, người dân phải mua nước ngọt. Mỗi can nước ngọt giá 1.000 đồng. Gia đình nào dùng dè sẻn mỗi ngày cũng hết vài can. Toàn bộ khu phố có 7 cái giếng do người dân tự đào nhưng không có nước. Cái nào có nước thì nhiễm phèn, hôi chịu không nổi, chẳng ai dám uống.
Hơn 30 năm trước, những hộ này là dân vạn đò trên sông Hiếu. Họ được đưa lên bờ định cư để làm ăn, song chỉ cách đây một năm, những hộ dân này mới có điện thắp sáng. Lên bờ, không có công việc ổn định, họ sống bằng nghề rà tìm phế liệu chiến tranh, hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn.
Khu phố 3, phường 4 này nằm ở Km 4 trên Quốc lộ 9. Từ quốc lộ vào khu dân cư nghèo này đúng 800m. Ông Phan Thanh Dũng, Chủ tịch UBND phường 4, cho biết: “Bà con kêu nhiều lắm, rất đau lòng, nhưng phường thì không có kinh phí. Rất mong cấp trên hỗ trợ đầu tư một ống dẫn nước dài 800m từ Quốc lộ 9 vào, từng hộ dân sẽ tự lo tiền bắt ống nước vào nhà. Công ty Cấp thoát nước Quảng Trị thì đề nghị dân nộp tiền rồi mới kéo ống nước vào. Làm thế, dân nghèo lấy đâu ra 4 – 5 triệu đồng để nộp”.