Sau hàng loạt chiến dịch chống ô nhiễm môi trường bị thất bại, chính phủ Trung Quốc hy vọng có thể dùng các định chế tài chính để kiểm soát mức độ gây ô nhiễm ở các nhà máy, xí nghiệp. Cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia (SEPA) đang phối hợp với Ủy ban điều tiết ngân hàng Trung Quốc (CBRC) chuẩn bị thực hiện chính sách giám sát môi trường mới.
Theo đó, liên minh này sẽ xem xét khả năng cho doanh nghiệp vay vốn dựa trên công tác bảo vệ môi trường của họ. Pan Yue, phó giám đốc SEPA cho rằng vấn đề ô nhiễm môi trường chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp kinh tế, nghĩa là phải làm cho doanh nghiệp thấy rằng vi phạm luật khiến họ thiệt hại nhiều hơn là tuân thủ theo nó.
Trung Quốc giờ đây đang nhận hậu quả của việc theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế nhanh mà không chú trọng bảo vệ môi trường trong hơn 30 năm qua. Một số đô thị ở Trung Quốc bị liệt vào danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Hầu hết các con sông lớn bị xâm hại nghiêm trọng và đẩy hàng triệu người vào tình cảnh thiếu nước sạch. Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về tác động của ô nhiễm đối với nền kinh tế và sức khỏe con người, mỗi năm, Trung Quốc có khoảng 460.000 người chết sớm do hít phải khí độc và uống nước bị ô nhiễm. Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn gây thiệt hại kinh tế tương đương 7% GDP. Bắc Kinh tỏ ra lo lắng trước báo cáo này và yêu cầu WB không công bố kết quả cuộc điều tra bởi họ e điều đó có thể gây bất ổn xã hội. Cũng chính vì vậy mà trong chiến dịch làm sạch môi trường khởi động hôm 10-7 vừa qua, Trung Quốc ưu tiên làm sạch 4 con sông lớn, trong đó có Dương Tử và Hoàng Hà. Theo đó, chính phủ cấm triển khai các dự án công nghiệp mới dọc những con sông này.
Còn chính sách “tín dụng xanh” sẽ buộc các công ty tuân thủ nghiêm luật bảo vệ môi trường. Ngân hàng sẽ từ chối cho vay đối với những nhà máy, xí nghiệp không đủ tiêu chuẩn hoặc vi phạm các qui định về vệ sinh môi trường. Thậm chí, ngân hàng còn được phép thu hồi những khoản tín dụng đã cấp trước đó nếu doanh nghiệp xao lãng công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng việc thực thi chính sách này không dễ dàng chút nào. Khó khăn trước mắt là các ngân hàng Trung Quốc vẫn chưa có những qui định ràng buộc về môi trường. Hiện chỉ có 2 trong số 3 ngân hàng chính sách của Trung Quốc gắn kết việc bảo vệ môi trường với quyết định tài trợ. Đó là Ngân hàng phát triển, chuyên thu xếp vốn cho các dự án lớn về kết cấu hạ tầng và Ngân hàng xuất nhập khẩu, cơ quan cung cấp tín dụng xuất khẩu chính thức của nước này. Và ngay cả khi ngân hàng chấp thuận các tiêu chuẩn kiểm soát môi trường bằng tài chính, thách thức vẫn tồn tại bởi liệu chính phủ có quyết tâm làm mạnh tay, hay lại “đánh trống bỏ dùi” như những lần trước do áp lực từ các nhóm có lợi ích liên quan tới doanh nghiệp?