Cuối tháng 7, bãi rác Gò Cát – TPHCM sẽ đóng cửa. Theo đó, Khu Liên hiệp Xử lý chất thải rắn Đa Phước với diện tích 128 ha sẽ đi vào hoạt động. Nhưng, nhiều ý kiến quan ngại rằng nếu tình hình rác tăng nhanh, liên tục như hiện nay thì dù có thêm vài bãi chôn lấp, xử lý rác nữa cũng vẫn… thiếu.
Mỗi năm, lượng chất thải rắn tăng từ 10%-15%. Dù các bãi chôn lấp đã “gồng mình” gánh đỡ nhưng với lượng rác thải quá nhiều như hiện nay, các biện pháp xử lý tỏ ra chưa hữu hiệu. TPHCM đang đối mặt với nhiều thách thức từ rác thải.
Địa phương “tiên phong” về rác
Năm 2002, lượng rác thải tại TPHCM chỉ là 1,5 triệu tấn. Nhưng một năm sau, lượng rác thải tại TPHCM đã lên đến 1,7 triệu tấn. Và năm 2006, lượng rác thải tại TPHCM đã ở mức 1,9 triệu tấn/ năm. Số liệu thống kê về hiện trạng môi trường quốc gia cho biết, mỗi năm Việt Nam “sản xuất” khoảng 16 triệu tấn chất thải rắn và năm sau cao hơn năm trước từ 10% – 16%. So sánh với các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng thì TPHCM là địa phương tiên phong trong cả nước về vấn đề này, với lượng chất thải khoảng 6.800 tấn/ngày. Chưa hết, số lượng chất thải công nghiệp của TPHCM chiếm đến 50% số lượng chất thải cả nước (khoảng 1 triệu tấn). Lý giải về vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng nguyên nhân của lượng rác thải tăng “chóng mặt” là do khu dân cư và các đơn vị sản xuất cũng tăng ồ ạt.
Môi trường sống kêu cứu
Rác tăng nhưng việc xử lý, chôn lấp rác thải không thể tăng theo kịp. Chính vì vậy, nhiều hộ dân sống xung quanh khu vực gần bãi rác Gò Cát (Tân Phú, Tân Bình) đều kêu ca về mùi hôi và nước rỉ rác từ bãi chôn lấp này lan tỏa. Công ty Môi trường Đô thị TPHCM, đơn vị quản lý bãi rác Gò Cát, cho rằng nguyên nhân của “những sự cố” về mùi, nước rỉ rác là do… bãi rác đã quá tải. Theo thiết kế, bãi rác Gò Cát với diện tích 25 ha, chỉ tiếp nhận khoảng 3,65 triệu tấn rác nhưng đến nay nó đã ôm trọn gần 6 triệu tấn rác. Công suất tiếp nhận của bãi rác Gò Cát chỉ 2.000 tấn/ngày, tuy nhiên những lúc cao điểm, bãi rác này phải tiếp nhận đến 5.000 tấn rác/ngày, vượt công suất cho phép đến 3.000 tấn/ngày. Cuối tháng 7-2007, bãi rác Gò Cát sẽ đóng cửa, bãi rác Đa Phước và Phước Hiệp sẽ tiếp nối nhiệm vụ. Tuy nhiên, với thực trạng rác thải như hiện nay, ngay cả Công ty Môi trường Đô thị TP cũng không dám khẳng định hai bãi rác mới sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình.
Thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị
Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng Phòng Quản lý Chất Thải rắn Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, thừa nhận thực trạng xử lý rác hiện nay khá nan giải. Hai bãi chôn lấp Phước Hiệp 1A (công suất 3.000 tấn/ngày) và Đa Phước (công suất 3.000 tấn/ngày) tạm thời chỉ đáp ứng được khối lượng xả 6.800 tấn rác thải mỗi ngày của TPHCM. Việc tái chế chỉ mới được thực hiện khá khiêm tốn còn các dự án khác đang bị ngưng trệ.
Để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của rác thải, TPHCM đang cho triển khai 3 dự án sản xuất rác thải thành phân compost và phân bón dùng cho nông nghiệp. Tuy nhiên, các dự án này vẫn đang là dự án. Theo một cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, khó khăn chủ yếu của công tác xử lý rác thải là do nhân lực thiếu, yếu, trang thiết bị còn quá lạc hậu, đặc biệt là cơ chế xét duyệt còn quá chậm và có phần thờ ơ… Mặt khác, ý thức của người dân về xử lý, phân loại rác tại nguồn còn quá sơ sài.