Nhiều du khách tự mở lối đi, hạ trại, đun nấu, vứt rác thậm chí tự cho phép mình lưu lại nhiều ngày trong rừng. Họ mặc sức chặt cành phong lan, bẻ cành đỗ quyên, đuổi ong, bắt bướm.
Từ khi được đưa vào quản lý và khai thác, hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên không chỉ tăng thêm tuyến du lịch hấp dẫn đối với du khách – nhất là khách nước ngoài mà còn tạo cơ hội cho nhiều lao động địa phương có việc làm, tăng thu nhập thông qua tiếp cận với loại hình dịch vụ mới – dịch vụ dẫn khách, “hỗ trợ” họ khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn nguyên sơ của Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Tuy nhiên, mặt trái của loại hình du lịch “tự do” này cũng xuất phát từ đây.
Nhiều du khách không chỉ xâm hại Vườn mà còn xả vào thiên nhiên trong lành những thứ rác công nghiệp khó phân huỷ, gây tác hại đến môi trường như bao bì đựng đồ ăn, thức uống bằng nhựa, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia.
Một thanh niên người Mông ở thôn Séo Mý Tỷ – nay thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia – trước đây chuyên dẫn khách đi leo núi dài ngày (7 – 10 ngày) cho biết: Mỗi đợt đi, khách và người dẫn đường làm “giá cứng” với nhau từ 80 – 100 USD/tour (thời giá năm 2000), nhưng từ khi có tuyến du lịch Trạm Tôn – Phan Xi Păng, mọi tour du lịch leo núi đều phải đăng ký qua Phòng Du lịch huyện Sa Pa, sau đó chuyển qua Kiểm lâm quản lý Vườn cử người dẫn đường.
Đương nhiên giá cũng được áp chung theo mức quy định của Nhà nước, còn người mang vác thuê và làm nhiệm vụ dẫn đường từ trạm nọ đến trạm kia được khách thưởng theo thoả thuận ngầm.
Lực lượng bảo vệ Vườn từ trạm nọ tới trạm kia (từ Trạm Tôn lên đến đỉnh Phan Xi Păng dài 14 km chỉ có một trạm dừng chân ở độ cao 2.900m – cách điểm xuất phát Trạm Tôn khoảng 10 km) rải mỏng nên nhiều du khách dừng chân hạ trại dọc đường hoặc đi ngang rẽ tắt không quản lý được.
Đó là chưa kể vẫn còn đây đó những trường hợp đi tự do và người dân địa phương vào rừng mở trang trại trồng cây thảo quả, mặc sức chặt cây, tỉa cành dựng lán trại, đắp lò sấy, làm kho cất giữ sản phẩm trên rừng, vô tình biến Vườn Quốc gia thành bãi rác.
Anh Quốc Trị – Giám đốc Vườn – rất băn khoăn bởi lực lượng mỏng, không thể rải khắp rừng để canh giữ, nên cũng chỉ đặt hy vọng vào tuyên truyền giáo dục và sự phối kết hợp giữa các ngành chức năng và chính quyền địa phương xung quanh vùng đệm trong việc quản lý và bảo vệ đa dạng sinh học của Vườn.
Theo báo cáo của UBND huyện Sa Pa, hiện diện tích rừng nguyên sinh trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên chỉ còn khoảng 30%, tốc độ suy thoái rừng đang tăng nhanh, trong đó có nguyên nhân can thiệp khá sâu và không có kế hoạch của con người.
Vì vậy, việc tăng cường phối kết hợp quản lý không để Vườn Quốc gia suy thoái nghèo nàn và trở thành “bãi rác” là điều cần thiết phải làm khi còn chưa quá muộn.