Đưa ô nhiễm môi trường lên đỉnh Trường Sơn

Tin tỉnh Hà Tỉnh chuẩn bị phê duyệt dự án thủy điện Rào Àn (Hương Sơn) làm cho các nhà khoa học lo lắng. Ông Lê Quang Úy, Giám đốc Ban Quản lý dự án Bắc Trường Sơn nói: nếu phá rừng đầu nguồn để làm thủy điện Rào Àn thì chẳng khác nào đưa ô nhiễm môi trường lên đỉnh Trường Sơn.

Rào Àn là vùng đa dạng sinh học đặc biệt có một không hai thuộc vùng sinh thái Bắc Trường Sơn. Năm 2000 đã có 40 nhà khoa học thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội và quốc tế đến tận nơi khảo sát nghiên cứu. Các nhà khoa học nổi tiếng như Giáo sư Võ Quý, Trương Quang Học, Phạm Bình Quyền đã có 2 công trình  khoa học lớn, dày hàng ngàn trang phân tích về kinh tế, sinh thái, thẩm mỹ, nhân văn tại khu vực này. Mới đây, 60 nhà khoa học trong nước và quốc tế đã tham gia Hội thảo tại Hà Nội nhằm đánh giá tài nguyên sinh học Bắc Trường Sơn, trong đó Rào Àn là “điểm nhấn”.
 
Các nhà khoa học đặt câu hỏi, liệu có nên đổi tài nguyên vô giá đó để lấy một nhà máy thủy điện công suất 12 MW/h hay không?
 
Điều lo lắng trên là có cơ sở. Năm 2004, cũng tại khu vực này, Chính phủ cho phép chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Hương Sơn khai thác 105 ha rừng đầu nguồn tại khu vực này để xây dựng nhà máy thủy điện Hương Sơn. Nhưng sau khi dự án được phê duyệt,  hàng trăm ha rừng đã bị phá để  làm đường. Hiện Ban Quản lý dự án đang  thuyết trình xin thêm 158 ha nữa mới đủ làm nhà máy.
 
Chỉ có thể hiểu theo hai cách : một là việc làm quy hoạch dự án không chuẩn, đến nỗi diện tích rừng bị phá phải tăng tới 1,5 lần. Hoặc việc quy hoạch ban đầu đã chuẩn xác rồi, nhưng thực hiện lại tùy tiện, dẫn đến việc phá rừng đầu nguồn bừa bãi. Và nếu cấp có thẩm quyền tiếp tục cho phép phá thêm rừng, cũng là đồng nghĩa với việc bỏ qua tất cả việc làm sai trái của chủ đầu tư dự án. Trong khi đó, nhà máy mới triển khai được khoảng 2/3 công việc, mặc dù theo tiến độ thì phải phải hoàn tất vào tháng 05/2006. Không biết liệu rừng Hương Sơn có bị tiếp tục “hy sinh” cho nhà máy thủy điện hay không.
 
Đất nước thiếu điện thì phải đầu tư phát triển nguồn điện. Điều đó là lẽ bình thường. Nhưng đầu tư tại điểm nào, xử lý môi trường ra sao, cũng là vấn đề không kém quan trọng. Bởi lẽ đất nước không chỉ cần điện mà còn cần cả những cánh rừng sinh thái, nhất là những cánh rừng từ “nóc” Trường Sơn.