Các nhà khoa học cho rằng, dự án Cải tạo vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP. HCM) đã phạm phải một số sai lầm ngay trong quá trình thiết kế kỹ thuật. Các sai lầm này đều đã được cảnh báo, phân tích khá kỹ ngay trước khi triển khai dự án. Nhưng không hiểu vì sao mọi cảnh báo đều bị bỏ qua cho đến khi xảy ra nhiều sự cố trong quá trình thi công.
Lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có diện tích gần 3.000 ha, tiêu thoát nước cho các quận 1,3,10, Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Dự án cải tạo, chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được triển khai từ năm 1998. Đến năm 2001, thành phố đã vay 166 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới để tiếp tục thực hiện. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào cuối năm 2006, nhưng đến nay, mới chỉ đạt 40%. Thành phố đã phải gia hạn thời gian hoàn thành đến cuối năm 2009
Số liệu đầu vào không chuẩn xác
Nguyên nhân gây ra sự cố nghiêm trọng nhất trong khi thi công gói thầu số 7 là do địa chất phức tạp. Đây là nội dung được các nhà khoa học đặc biệt chú ý cảnh báo từ những ngày đầu.
Theo TS. Trương Đình Hiển, dự án nghiên cứu khả thi chỉ sử dụng một số tài liệu địa chất rời rạc của dự án nghiên cứu tiền khả thi để lại, tài liệu địa chất công trình còn sơ lược, không đủ để đảm bảo độ tin cậy. Các tài liệu địa chất công trình để tính toán thiết kế thi công cống bao ngầm đòi hỏi phải khoan đúng vị trí tim cống, nhưng đơn vị thiết kế đã không làm như vậy.
Căn cứ trên bình đồ của 41 lỗ khoan địa chất, toàn bộ các lỗ khoan đều đặt ở hai bờ kênh. Tại trục giữa của kênh Nhiêu Lộc, tức là vị trí đặt cống bao nằm giữa lòng kênh, hoàn toàn không có lỗ khoan nào. Các số liệu của 41 lỗ khoan địa chất (từ B01 – B41) được thực hiện từ ngày 20/04/2000 đến ngày 11/05/2000, số liệu đo thủy văn tại Vàm kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, tại cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm đều được thực hiện vào tháng 05/2000, trong khi đó, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Chính phủ phê duyệt vào ngày 31/08/1999; báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế sơ bộ hoàn thành vào tháng 09/1999.
Các dãy số liệu về thủy văn trong dự án được đơn vị thiết kế sử dụng, là những số liệu đo đạc cách thời điểm lập dự án 28 năm. Những số liệu này đã quá lạc hậu và sai biệt rất lớn so với thực tế quy luật thủy triều cũng như lưu lượng dòng chảy Nhiêu Lộc- Thị Nghè.
Thiết kế và thi công đều “có vấn đề”
Đại biểu HĐND TP. HCM – TS. Lê Thượng Mãn cho biết hiện trên thế giới, việc thiết kế các đường ống ngầm đều đã được chuẩn hóa, bảo đảm về mặt kỹ thuật như: Tại các khớp nối của đường ống luôn có gối đỡ, nền ống luôn được gia cố, có thể chịu được áp lực khi vận hành cũng như những biến động địa chất, môi trường….
Toàn bộ hệ thống ống ngầm, như số liệu phân tích của các nhà khoa học, hiện đều nằm trực tiếp trên nền đất yếu, mềm, nhão, địa chất phức tạp. Thiết kế và thi công đều không đưa ra được các giải pháp căn cơ nhằm bảo đảm tính ổn định của đường ống khi vận hành. GS.TSKH. Lê Huy Bá (Viện KHCN & Quản lý Môi trường – ĐH Công nghệ TP. HCM) cũng khẳng định, với thiết kế và thi công như hiện tại, khi đưa vào vận hành chắc chắn sẽ gặp sự cố. Khi đường ống vận hành với áp lực của nước và sức nặng của đường ống cộng với áp lực không đều nhau trên thành ống sẽ dẫn đến nguy cơ ống bị lún, vênh, trượt, gãy…Trong trường hợp có biến động lớn như động đất thì đường ống sẽ bị hư hỏng hoàn toàn.
Xả ô nhiễm ra sông Sài Gòn
Theo nhận định của các chuyên gia môi trường, việc bơm nước thải trực tiếp, không thông qua hệ thống xử lý như trong thiết kế là hết sức nguy hiểm. Với công suất 64.000 m3/ giờ của trạm bơm xả nước suốt ngày đêm từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ra sông Sài Gòn, trong pha triều lên, nước thải và chất nhiễm bẩn theo dòng triều dịch chuyển và khuếch tán đến khu vực cấp nước và sẽ gây nên nhiễm độc đối với nguồn nước của thành phố.
Không những thế, nguồn nước thải kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, không một sinh vật nào tồn tại được. Nếu không thông qua hệ thống xử lý mà bơm trực tiếp ra sông Sài Gòn sẽ làm giảm khả năng tự làm sạch của sông Sài Gòn. Trong một thời gian ngắn, sông Sài Gòn có thể trở thành một Thị Vải thứ hai. Phương pháp pha loãng như thiết kế, thực chất chỉ là di chuyển ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác, tổng lượng nước thải ra môi trường vẫn không thay đổi. Điều này trái với nguyên tắc xử lý môi trường. Với một dự án tiêu tốn hết gần 200 triệu USD mà kéo dài tới 10 năm trời thì lãng phí là điều thấy quá rõ!