Tại hội thảo “Đánh giá tác động của công trình thuỷ điện tại Việt Nam đối với môi trường hạ lưu sông Sê San trên đất Campuchia” , diễn ra ngày 5/7 tại Phnôm Pênh (Campuchia), sau khi tiến hành một loạt khảo cứu thực địa và phỏng vấn người dân Campuchia đang sinh sống trong vùng hạ lưu sông Sê San. Các nhà chức trách đã khẳng định việc xây dựng nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Sê San trên đất Việt Nam không làm ô nhiễm nước vùng hạ lưu sông Sê San trên đất Campuchia.
Chuyên gia của Viện Thủy lực Đan Mạch, ông Henrích Gơxơđan, còn cho biết thêm các nghiên cứu thủy lực học được tiến hành từ năm 2004 đến nay tại khu vực này cho thấy sự xuất hiện các nhà máy thủy điện đã giúp điều hòa mực nước vùng hạ lưu Sê San. Nước vùng hạ lưu Sê San sau khi có nhà máy thủy điện ở thượng nguồn đã đạt mức cao hơn mức tự nhiên từ 0,5-1m vào mùa khô và thấp hơn từ 1-1,5m vào mùa mưa.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Toản, Tổng thư ký Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam (VNMC) cho biết các công trình thủy điện được xây dựng trên sông Sê San đã và sẽ hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống người dân 2 nước dọc biên giới, đồng thời góp phần vào việc xây dựng vùng “tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia”.
Nhấn mạnh việc Việt Nam sẽ tiếp tục tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm về bảo vệ nguồn nước và tài nguyên môi trường trong các chương trình hợp tác song phương mà Chính phủ Việt Nam và Campuchia đã ký kết, ông Toản cũng đồng thời khẳng định Việt Nam và Campuchia sẽ cùng hợp tác triển khai các biện pháp mà các chuyên gia đưa ra nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực trong việc khai thác nguồn lợi nước phục vụ công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho những người dân sống trong lưu vực sông Sê San.