Nếu không được xử lý đúng cách, những loại chất thải do con người “đưa vào” môi trường có thể gây ra nhiều loại bệnh tật. Chúng là con đường truyền nhiễm bệnh nguy hiểm, phá hoại cả môi trường sống…
Mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng 5.000 đến 6.000 tấn chất thải sinh hoạt. Nhiều người chủ quan với những vật dụng trong gia đình, văn phòng, cơ quan, khi chúng hết hạn dùng hoặc hư hỏng thì vứt bừa bãi hoặc đổ xuống các cống thải không đúng quy định. Nhưng họ không biết những hành động đó cũng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và người khác.
Có thể chứa chất độc
Theo kỹ sư Nguyễn Quốc Thái, Phòng Quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, không chỉ rác công nghiệp, rác y tế có những chất độc hại mà rác sinh hoạt cũng có nguy cơ cao. Kỹ sư Thái cho biết, nhiều thành phần trong các loại rác sinh hoạt như mực viết, bút bi, dầu máy… cũng dễ gây độc cho người. Theo đó, trong mực viết có thể chứa những kim loại nặng (như chì, thủy ngân…); pin thì chứa các thành phần nguy hại như than hoạt tính, kim loại, niken… Những thành phần nguy hại này được giới hạn ở mức độ nhất định, chúng không gây nên những ngộ độc cấp tính và bình thường chúng có vẻ vô hại đối với người dùng. Nhưng ông Thái cho biết, khi các thành phần nguy hại có trong chất thải tương tác với nhau dễ gây ra các phản ứng có hại hoặc nhiễm vào thực phẩm sẽ gây ngộ độc.
Gây bệnh và hủy hoại môi trường
Theo các nhà quản lý môi trường, các chất độc trong chất thải rắn rất dễ bị… rò rỉ nếu không tuân theo một quy trình phân loại và xử lý rác nghiêm ngặt. Chẳng hạn như rác y tế, sau khi thải ra phải được bỏ vào túi, đựng vào thùng quy định, sau đó được bảo quản ở phòng lạnh. Bảo quản ở phòng lạnh trước khi đem xử lý là yêu cầu bắt buộc của rác thải y tế, vì rác thải y tế dễ làm lây lan các bệnh truyền nhiễm cho người và môi trường.
Hiện nay, TPHCM dẫn đầu về chất thải y tế và công nghiệp với khoảng 1.200 tấn/ngày. Kỹ sư Thái giải thích: Trong thành phần của chất thải rắn y tế có thể chứa một lượng lớn tác nhân vi sinh gây bệnh truyền nhiễm. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua da, đường hô hấp, đường tiêu hóa… Ngoài ra, trong chất thải công nghiệp có nhiều chất có thể dẫn đến bệnh ung thư, như các chất có gốc clo, hợp chất hữu cơ chứa benzen, các dung môi, amiang (trong sản xuất công nghiệp và xây dựng)… nếu không xử lý triệt để sẽ là tác nhân của rất nhiều bệnh như ung thư phổi, ung thư biểu mô, ung thư bàng quang, ung thư máu…
Không chỉ tác động có hại trực tiếp lên sức khỏe của con người, về lâu dài nếu chất thải rắn chứa các thành phần nguy hại bị xả vào môi trường sẽ hủy hoại cả môi trường sống và… có thể ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, cho biết các chất hữu cơ khó phân hủy, kim loại nặng… trong chất thải sẽ thấm vào đất, nước. Hậu quả là nguồn nước mặt, nước ngầm đều bị nhiễm độc, không dùng được. “Khi nước đã bị nhiễm độc thì ảnh hưởng của nó rất lớn, thực vật xung quanh sống bằng đất, nước đó cũng sẽ bị ảnh hưởng”. Theo bà Hương, nếu sống bằng nguồn nước và thức ăn nhiễm độc đó, động vật và con người cũng mang theo mình nhiều chất độc hại. “Khâu truyền độc chất trung gian này con người rất khó kiểm soát. Nếu chúng ta không biết thương môi trường, chính chúng ta phải gánh chịu hậu quả mà nó mang lại”- thạc sĩ Hương nói.
18 nguồn thải nguy hại Quy định 32 của Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết, những chất thải được thải ra từ 18 nguồn thải sau đây được cho là chất thải nguy hại: dầu khí và than; sản xuất hóa vô cơ; sản xuất hóa hữu cơ; nhiệt điện; luyện kim; sản xuất vật liệu xây dựng; tạo hình kim loại; sản xuất các vật liệu che phủ; chế biến gỗ, giấy; chế biến da, lông và dệt nhuộm; xây dựng; tái chế chất thải, xử lý cấp nước; y tế và thú y; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; thiết bị – phương tiện giao thông; chất thải hộ gia đình; dầu thải từ nhiên liệu lỏng; chất thải bao bì… (Nguồn: Luật Bảo vệ môi trường) |