ThienNhien.Net – Sau nhiều năm nghiên cứu, kỹ sư nông học Chu Văn Tiệp cùng vợ là Trịnh Thị Thanh đã phát hiện và chứng minh kỹ thuật gieo trồng ngô được sử dụng từ trước đến nay chưa phù hợp với đặc tính cây ngô ( loại thực vật có tán lá dẹt, không toả tròn). Từ những phát hiện đó, ông đã cho ra đời lý thuyết và phương pháp trồng ngô mật độ cao có điều chỉnh tán lá mà theo ông đây là cơ sở khoa học tạo ra công nghệ mới, nếu được áp dụng sẽ làm tăng doanh thu cho người trồng ngô thêm khoảng 4-5 triệu đồng/hecta. Tuy nhiên, công trình này còn đang gây nhiều bàn cãi trong giới nghiên cứu và các nhà quản lý.
KS. Tiệp cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu, ông phát hiện ra rằng: “loài ngô có mặt phẳng tán lá tương lai”. Từ đó, ông đã tiến hành những nghiên cứu và thử nghiệm về việc mở rộng khoảng cách hàng, rút ngắn khoảng cách các cây trên cùng hàng và chỉnh tán lá tương lai của các cá thể trên cùng một hàng song song với nhau và vuông góc với hàng ngô.
Công trình khoa học của KS.Tiệp mang tên “Phương pháp trồng ngô mật độ cao có điều chỉnh tán lá” đã được nhận bằng sáng chế năm 2002 do Nhà nước cấp và nhận giải thưởng VIFOTEC năm 2004.
Xưa nay, người dân vẫn quen trồng ngô theo phương pháp truyền thống, để mặc tán lá ngô toả ra tứ phía. Điều đó cũng có nghĩa một cây ngô “chiếm” diện tích canh tác lớn và buộc người nông dân phải trồng ngô với mật độ thưa, như vậy không phù hợp với đặc tính tán lá dẹt của cây.
Nắm được bản chất của hiện tượng, KS.Chu Văn Tiệp đã đưa ra lý thuyết về “mặt phẳng tán lá tương lai” và “mặt phẳng tán lá tương lai trong giai đoạn phôi ở loài ngô”. Giải pháp được ông đưa ra là việc “chỉnh tán lá cây con” từ khi đặt bầu hoặc gieo hạt để điều khiển “tán lá tương lai” của mỗi cá thể ngô phát triển song song, nhờ đó mà mật độ cây ngô trên cùng một hàng sẽ tăng lên.
Vụ đông năm 2006, KS.Tiệp đã tiến hành 4 thí nghiệm với giống ngô LNN – 4 tại Văn Giang, Hưng Yên, trong đó tiến hành giám sát bốn yếu tố: giãn hàng, tăng mật độ, tăng phân và chỉnh tán lá. Ông cho biết yếu tố “chỉnh tán lá” đóng góp tới 50% năng suất và lợi nhuận trong kỹ thuật trồng ngô mới này.
Công trình khoa học của KS.Tiệp đã đươc thử nghiệm ở nhiều tỉnh như Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hoá, Hải Dương và cả ở nước ngoài (Senegal). Kết quả ban đầu cũng đã được ghi nhận, tuy nhiên cũng gặp phải những ý kiến bất đồng.
Hôm 03/07/2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đánh giá công trình này và thu được nhiều ý kiến khác nhau của các nhà khoa học. Một số người cho rằng kỹ thuật chỉnh tán lá tương lai là không có cơ sở và rất khó vì theo nguyên lý chung thì thực vật luôn hướng quang. Hơn nữa, nếu chỉnh hàng (tăng mật độ cây trên cùng hàng và giãn khoảng cách giữa các hàng) thì lượng cỏ sẽ mọc nhiều hơn, đồng thời khả năng dinh dưỡng bị rửa trôi (ở vùng đất dốc) sẽ xảy ra. Cũng có người đặt ra những nghi vấn liệu số lượng cây ngô trên một hecta là có ngưỡng hay không? Kỹ thuật mới này có dễ dàng để người nông dân áp dụng?
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến lạc quan hơn và cho rằng cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn nữa và nếu cần thiết sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của các cơ quan nước ngoài.
Cuối cùng, hội nghị đã thống nhất đệ trình lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin kinh phí để tiếp tục tiến hành thử nghiệm công trình tại 3 địa điểm và 3 thời điểm khác nhau (vụ xuân, vụ thu và vụ đông). Tại đó, KS. Tiệp sẽ cần tiến hành 3 thí nghiệm: một thí nghiệm về mật độ để chứng minh mật độ cây ngô mà tác giả trồng cao hơn qui phạm của Bộ Nông nghiệp hiện nay ( 6,5 vạn cây/ha). Đồng thời, ông cũng phải tiến hành 2 thí nghiệm song song: trong cùng một điều kiện giống, phân bón, chế độ chăm sóc…một thí nghiệm các cá thể ngô phát triển và sinh trưởng trong điều kiện bình thường và một thí nghiệm các cá thể ngô được chỉnh tán lá theo lý thuyết khoa học mà tác giả đã đưa ra.
Hy vọng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có lời giải đáp để công trình nghiên cứu tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác trồng ngô của kỹ sư Tiệp được sớm tiến hành. Và nếu kết quả thí nghiệm lần này tiếp tục thành công thì đây sẽ là một bứơc đột phá trong ngành trồng ngô, hứa hẹn những lợi ích to lớn về khoa học – công nghệ, kinh tế.