Thời gian vừa qua, rất nhiều người dân bức xúc về lò nấu nhớt cặn của ông Võ Văn Chuộng (Ấp Long Châu, xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, TP. Cần Thơ). Lò nấu nhớt cặn này hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân sống trong khu vực xung quanh.
Đứng đợi phà, nhìn về phía cù lao Tân Lộc, có thể thấy 3 ngọn khói đen ngòm bốc lên cuồn cuộn từ ấp Long Châu. Nhiều người dân ở đất cù lao cho biết: “Khói đen đó bốc lên từ lò nấu nhớt cặn của ông Võ Văn Chuộng. Cả ngày lẫn đêm, cơ sở này đều tuôn ra khói đen nghi ngút, mang theo bụi, mùi hôi nồng nặc”.
Nhiều năm nay, người dân sống gần cơ sở nấu nhớt cặn hàng ngày phải chịu đựng cảnh ô nhiễm bụi, khói, mùi. Bà Đặng Kim Hương bức xúc: “Tôi có 3 đứa cháu nội, cứ vài hôm là chúng nó thay phiên nhau bệnh, chủ yếu là ho, sổ mũi, tức ngực vì hít phải khói bụi từ cơ sở nấu nhớt cặn. Ban ngày, tôi đành đưa tụi nó đi di tản nơi khác”.
Còn nhà của ông Phạm Văn Nô (ấp Long Châu, xã Tân Lộc) cách xa cơ sở nấu nhớt cặn hơn 500m nhưng cũng không thoát khỏi cảnh ô nhiễm. Thường xuyên vào mỗi buổi sáng, ông Nô phải lau chùi bụi đen bám vào các đồ dùng trong nhà. Ông Nô nói: “Nhiều nhà đóng cửa suốt nhưng bụi đen như lọ nghẹ vẫn bám đầy các vật dụng trong nhà. Những khi gió thổi xuôi, đẩy những cuộn khói đen về hướng nhà tôi thì coi như lãnh đủ: Vừa hôi, vừa bụi khói, rất khó thở. Có khi dọn cơm, loay hoay chưa kịp ăn thì bụi đen đã bám đầy vào cơm, thức ăn”.
Theo những người dân địa phương, tình trạng này đã kéo dài hơn 2 năm nay. Nhiều lần bà con kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xin can thiệp, nhưng đến nay họ vẫn sống trong môi trường bị ô nhiễm. Nóng lòng tìm đến chính quyền địa phương thì được trả lời: “Đã kiến nghị về Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện”; đến phòng Tài nguyên – Môi trường huyện cũng được trả lời chung chung là: “Đã đề nghị về trên”. Kêu cứu hoài không được, người dân nơi đây rất bức xúc.
Ông Phạm Văn My, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc, nói: “Cơ sở của ông Võ Văn Chuộng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nấu nhớt cặn thành mỡ bò (một chất dùng bôi trơn động cơ, chống gỉ sét kim loại). Gần đây, còn nấu thêm mỡ cá tra, ba sa thành dầu D.O. Công đoạn hoạt động chính là đưa nhớt cặn, mỡ cá vào lò luyện. Sau đó, dùng nhiên liệu là trấu, trộn với nhớt cặn để nấu. Qua giai đoạn chưng cất sẽ tạo ra sản phẩm. Trong quá trình nấu, chất đốt tạo ra khói, bụi, cùng với mùi hôi của nhớt cặn, mỡ cá bị nung thải ra ngoài, ảnh hưởng nhiều đến các hộ trong khu vực vì cơ sở này nằm trong khu dân cư. Thời gian qua, địa phương nhận rất nhiều phản ánh của bà con về cơ sở của ông Chuộng hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Qua kiểm tra của địa phương, cho thấy: Những phản ánh của bà con đúng sự thật. UBND xã nhiều lần giáo dục, nhắc nhở nhưng cơ sở này vẫn không khắc phục. Việc xử lý cơ sở của ông Chuộng vượt quá thẩm quyền của địa phương. Do đó, đã đề nghị Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện có biện pháp xử lý”.
Ông Đoàn Văn Quân, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Thốt Nốt, cho biết: Cơ sở của ông Chuộng có đăng ký kinh doanh nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo qui định. Chúng tôi đã yêu cầu Phòng Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường TP Cần Thơ) tiến hành lấy các mẩu khói, không khí, nước,… để phân tích nhằm xác định mức độ ô nhiễm, làm cơ sở khoa học, có căn cứ xử lý. Khi có kết quả, tùy theo mức độ vi phạm, Phòng Tài nguyên – Môi trường sẽ đề nghị UBND huyện xử lý nghiêm những vi phạm của cơ sở ông Chuộng. Cũng theo ông Quân, việc xử lý trong lĩnh vực ô nhiễm môi trường ở huyện Thốt Nốt hiện nay gặp không ít khó khăn. Phòng còn thiếu nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn nên phải nhờ Phòng Môi trường lấy mẩu gởi đi phân tích. Thời gian xử lý chậm trễ, gây bức xúc cho người dân sống trong khu vực bị ô nhiễm.
Việc kéo dài hơn 2 năm chưa xử lý rốt ráo của chính quyền địa phương và các ngành chức năng đối với một cơ sở nấu nhớt cặn, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, điều kiện sống của người dân địa phương là biểu hiện của sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Phải thấy rằng đối với vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe của người dân cần đặt lên hàng đầu. Dù doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có đóng góp tích cực cho địa phương đến đâu cũng không thể bù lại những tổn thất gây ra cho dân về vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong khi cơ sở của ông Võ Văn Chuộng ngay từ đầu đã không tuân thủ các qui định về đảm bảo về vệ sinh môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với mức độ bụi, khói, mùi hôi như thế cũng đủ cơ sở để cơ quan thẩm quyền buộc lò nấu nhớt cặn của ông Chuộng tạm ngưng hoạt động, chờ kết quả đánh giá, phân tích mức độ ô nhiễm môi trường để có biện pháp xử lý căn cơ. Không thể để một cơ sở gây ô nhiễm môi trường như thế tiếp tục hoạt động, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.