“Phục sinh” những dòng sông

"Có một dòng sông đã qua đời…", câu hát cũ đầy lòng tiếc nuối. Nhưng lại có những dòng sông có thể "phục sinh" – sông Tô, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, những con sông một thuở mộng mơ, nhiều thuở trầm tư. Chỉ cần con người có trí tuệ, tâm huyết và một chút lãng mạn. Để trong không xa, Hà Nội cũng có một phiên bản sông Seine-Paris trong lành, sạch sẽ, được nuôi dưỡng từ ý tưởng táo bạo nối sông Tô với sông Hồng hôm nay.

Bất ngờ một niềm vui


Đứng trên triền đồi cao Đà Lạt, có thể thấy dưới thung lũng, một hồ chứa nước vuông vắn, trong xanh, cả chục người câu cá ngồi thư thái trong nắng chiều. Đó thật sự là một bất ngờ lớn đối với những con người đã quen biết nơi đây. Bởi lẽ đó là hồ chứa nước “thải” từ nhà máy xử lý trước khi đổ vào con suối nằm ở hạ lưu thác Cam Ly. Cạnh hồ câu cá hữu tình ấy là dây chuyền xử lý nước liên hoàn gọn gàng trong một diện tích khoảng 6 hecta, gồm những bồn chứa lớn thuộc các công đoạn: xử lý cơ học, xử lý sinh học và xử lý cặn cuối cùng sót lại.


Qua hệ thống xử lý nói trên, tất cả nước thải bẩn với đủ loại cặn bã của toàn bộ thành phố đã biến thành nước sạch. Nói theo từ ngữ chuyên môn, nước sạch thu được qua xử lý đạt tiêu chuẩn chất lượng (TCVN 1442-95) loại B, đủ sạch để sử dụng cho mọi sinh hoạt bình thường của con người, dùng cho chăn nuôi và tưới tắm cây trồng.  


Với khả năng xử lý 7.400 mét khối nước mỗi ngày của nhà máy, Đà Lạt đã qua rồi thời kỳ nước thải sinh hoạt xả tràn lan. Qua rồi tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài hàng chục năm do nước bẩn của mọi nhà dồn vào một con suối lượn lờ ngay trong thành phố. Nhà máy xử lý nước thải cùng với hệ thống mạng lưới cống rộng khắp dẫn về nhà máy, với chi phí hơn 120 tỷ, là hạng mục chính của “Dự án vệ sinh Đà Lạt”, một dự án hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch hơn 300 tỷ đồng. Dự án sẽ còn xây dựng nhiều công trình vệ sinh ở các vùng ven Đà Lạt để làm sạch môi trường tự nhiên. Nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình sẽ được xử lý tại chỗ bằng 4.000 hầm tự hoại và 2.300 nhà vệ sinh ưu tiên cho các hộ nghèo sống ven suối.


Thành phố Đà Lạt bỗng trở thành đô thị đầu tiên ở nước ta thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt trong thành phố về một đầu mối xử lý trước khi đổ vào sông suối. Ước mơ “xanh”, ước mơ biến màu đen của nước thải thành màu xanh trong nước sạch, đã trở thành hiện thực ở thành phố du lịch nổi tiếng này.


Niềm vui bất ngờ trở thành nỗi ám ảnh khi đến Hà Nội.

 Trong lành một sông “Seine” chảy qua Hà Nội? 

Từ lúc nào, những con sông thơ mộng đã thành dòng sông chết? Vì sự sống còn của mình, ba triệu dân nội ngoại thành Hà Nội, 400 xí nghiệp nhà máy, chục ngàn cơ sở sản xuất thủ công, hơn 50 chợ và nhiều nhà hàng khách sạn…đã dồn tất cả chất thải, nước bẩn xuống sông Tô Lịch, và một phần nhỏ vào sông Lừ, sông Kim Ngưu, sông Sét, rồi từ đó tống vào Nhuệ Giang, sông Đáy, làm cho những con sông này như đang trong cơn hấp hối.

Những nửa triệu mét khối nước thải bẩn ngày ngày đổ vào sông Nhuệ! Chất nước ấy, đo tại cầu Tó, đã vượt độ ô nhiễm cho phép của nước loại B tới 5–7 lần, trong đó ô nhiễm amôni còn cao hơn, từ 10–20 lần.
Nhà máy xử lý nước thải lớn nhất ở Hà Nội, với công suất đến 42 ngàn mét khối mỗi ngày nằm ở Vân Trì (Bắc Thăng Long), nhà máy xây dựng xong từ lâu, nhưng vẫn “đắp chăn” chờ đợi… chờ đến khi đô thị mới Bắc Thăng Long mọc lên (!). Phục vụ trực tiếp cho Hà Nội “phố” chỉ còn hai trạm đáng kể. Một trạm phục vụ cho khu dân cư Kim Liên, công suất 3.700 mét khối hoạt động chỉ buổi đực buổi cái vì công nghệ xử lý ở đây đòi hỏi chi phí lớn… Trạm thứ hai, công suất nhỏ hơn với 2.300 mét khối, hoạt động khá đều đặn, nhưng chỉ đủ đảm bảo nước sạch cho hồ Trúc Bạch.

Có thể kể thêm con số ít ỏi các trạm xử lý nước cục bộ bé nhỏ của khoảng 25 cơ sở dịch vụ, 40 cơ sở công nghiệp, 10 bệnh viện. Tiếc thay, con số đó chỉ là muối bỏ biển nếu so với những con số “khổng lồ” – 369 nhà máy xí nghiệp, 15.880 cơ sở sản xuất tư nhân, hơn 1.000 cơ quan trung 29 bệnh viện, 10 khu công nghiệp…ở khu vực Hà Nội.

Thực chất, lượng nước thải bẩn của Hà Nội hầu như không xử lý, nói chính xác chỉ mới xử lý được 5%! Dòng nước ô nhiễm, không khí ô nhiễm. Và thực phẩm cũng không tránh khỏi – nhiều vùng trồng rau, nhiều hồ nuôi cá đều dùng nguồn nước ô nhiễm ấy, kết quả là người tiêu dùng phải sử dụng một lượng lớn thực phẩm (rau, quả, cá, thịt…) với đủ loại vi khuẩn, nguyên tố nặng và giun sán nguy hiểm.Bao nhiêu năm nay, người Hà Nội chịu đựng một môi trường nước như vậy. Họ cũng không hiểu “ông quy hoạch” nghĩ gì, các nhà quản lý đô thị xoay xở thế nào.

May sao, vài tháng gần đây, những tia hy vọng chợt loé lên ở cuối “đường hầm” khi trên các diễn đàn người ta dồn dập gióng lên tiếng chuông cảnh báo. Ô nhiễm các dòng sông, đặc biệt là sông Nhuệ, sông Đáy đã được báo động đỏ, đã được đặt lên bàn làm việc như là bài toán “cấp bách”, là thách thức lớn.

Các nhà lãnh đạo cao nhất thành phố Hà Nội còn nói đến một dự án, một giải pháp toàn diện, bao gồm công nghệ xử lý hiện đại, kết hợp nâng cấp và xây mới, huy động tài chính trong nước và vốn vay ODA quốc tế đến ngót nghét một tỷ đô la Mỹ v.v…

Một dự án nhiều giai đoạn. Riêng giai đoạn trước mắt (2006-2010) đặt chỉ tiêu xử lý 20-25% nước thải bệnh viện, 50-65% nước thải độc hại công nghiệp… với “ước mơ xanh” – người đi dạo hai bên bờ sông Tô Lịch, sông Nhuệ “không còn phải ngửi thứ mùi khó chịu như bây giờ”.

Vui hơn nữa, một dự án đưa sông Tô Lịch trở về thời thanh lịch xa xưa của nó, nối sông Tô với sông Hồng để tương lai có một “sông Seine – Paris” thu nhỏ thơ mộng chảy qua Hà Nội. Một ý tưởng lãng mạn, bay bổng và đẹp như cần phải thế. Nhưng hiện tại thì việc xử lý mọi nguồn nước bẩn trước khi đổ vào các dòng sông là điều không thể tránh khỏi, không thể thay thế và là việc phải làm ngay. Vì sông Nhuệ, sông Đáy vẫn đục đen đang chết dần kia chẳng phải vẫn nối với sông Hồng đấy ư? Người Hà Nội chờ đợi những dòng sông chảy qua thành phố sạch sẽ, mát lành, thơm tho…

Một ước mơ xanh theo về thủ đô từ thành phố cao nguyên Đà Lạt. Cuối sông Tô Lịch, hay trên dòng Nhuệ Giang sớm có một bến sông hay một hồ chứa lớn. Nước trong trẻo, cá tôm tung tăng, trẻ thơ thoải mái nô đùa, người lớn đến đây tĩnh lặng, thư giãn bên những chiếc cần câu. Và bên bờ những con sông có những cái tên thơ mộng ấy, những người già chiều chiều tản bộ hít thở không khí trong lành, thơm tho… Một ước mơ họ đã phải chờ đợi suốt bao năm tháng đời người.