Các dải san hô ngầm trên thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi một căn bệnh mới có tên "hội chứng trắng". Hiện căn bệnh trên đã xuất hiện tại các dải san hô ngầm ở Úc và tỉnh Okinawa (Nhật Bản).
Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân của hiện tượng trên, song các nhà khoa học cảnh báo “hội chứng trắng” là một căn bệnh truyền nhiễm và những dải san hô bị nhiễm bệnh có thể chết trong vòng một năm.
Theo Akiyuki Irikawa, chuyên gia về hệ sinh thái san hô của Nhật Bản, khoảng 30% số san hô quanh đảo Kerama, phía tây Okinawa, đã bị ảnh hưởng bởi “hội chứng trắng”. Những dải trắng lan rộng trung bình khoảng 20 cm trên bề mặt san hô trong vòng một tháng làm cho các dải san hô chết dần.
Năm 2003, căn bệnh trên cũng ảnh hưởng tới dải san hô lớn nhất Nhật Bản nằm giữa đảo Ishigakishima và đảo Iriomotejima.
Theo các nhà khoa học, trong khoảng một thập kỷ qua đã xuất hiện nhiều căn bệnh ảnh hưởng tới các dải san hô trên thế giới.
Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về ngăn chặn sự biến đổi khí hậu Trái đất đưa ra hồi tháng 4 vừa qua cảnh báo rằng hầu hết các khu vực san hô sẽ bị ảnh hưởng bởi các dải trắng nếu nhiệt độ nước tăng từ 1-20C so với nhiệt độ năm 1990, và một lượng lớn san hô sẽ chết nếu nhiệt độ nước tăng hơn 20C. Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) cũng cảnh báo rằng khoảng 30% số dải san hô trên thế giới đã bị hủy hoại nghiêm trọng và nhiều khả năng 60% số dải san hô sẽ biến mất vào năm 2030.
Hiện trên thế giới có khoảng 284.000 km2 san hô, chiếm khoảng 1,2% diện tích thềm lục địa. Các dải san hô có những vai trò quan trọng như hỗ trợ ngành ngư nghiệp và du lịch, đồng thời có tác dụng làm đê chắn sóng tự nhiên ngăn cản các đợt sóng cao khi có bão. Ngoài ra, các dải san hô còn góp phần đa dạng hóa hệ sinh thái. Theo ước tính của UNEP, giá trị kinh tế của một km2 san hô ước tính vào khoảng 100.000 – 600.000 USD/năm.