ThienNhien.Net – Đây là đợt hội thảo tư vấn không chính thức tập trung bàn về Biển và Luật bảo vệ biển được Liên hợp quốc tổ chức hàng năm. Trong cuộc họp lần nay, một số quốc gia đã lên tiếng cảnh báo rằng cần tiếp cận một cách thận trọng hơn đối với môi trường biển vốn rất nhạy cảm.
Một trong những nội dung được bàn bạc là tính hợp lý của công ước khung Liên hợp quốc về Luật bảo vệ biển. Ý kiến đánh giá của các nước thành viên rất khác nhau. Ông Farukh Amil đến từ Pakistan, đại diện cho nhóm các nước đang phát triển (G-77) và Trung Quốc, nhận xét rằng công ước đã công nhận chủ quyền của các quốc gia ven biển về đặc quyền thăm dò, quản lý, và khai thác nguồn tài nguyên biển, còn khu vực biển ngoài khơi là tài sản chung của nhân loại. Nam Phi, Chilê, Ấn Độ và một số nước khác kêu gọi cần phải có các điều luật mới quy định đối với vùng biển ngoài khơi. Các điều luật bổ sung này phải bảo đảm bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên biển, và có tính đến quyền lợi và nhu cầu của các nước đang phát triển.
Vấn đề về thăm dò sinh học hay hoạt động nghiên cứu và phát triển liên quan đến nguồn tài nguyên biển cũng được tập trung thảo luận. Một số đại biểu cho rằng các hoạt động diễn ra ngoài phạm vi chủ quyền quốc gia có thể tiềm ẩn những nguy cơ gây hại đối với môi trường và cần có các tiêu chuẩn cụ thể quy định quyền tiếp cận tài nguyên biển để đảm bảo sự công bằng giữa các quốc gia trong vấn đề khai thác. Tuy nhiên, đại biểu của Nhật, Masaya Sangawa, cho rằng Công ước khung đã đảm bảo được quyền tiến hành thăm dò, khai thác của các quốc gia, và sẽ rất khó để phân biệt giữa nghiên cứu và thăm dò. Cần thúc đẩy việc nghiên cứu cả trong và ngoài phạm vi quản lý của quốc gia mà không tạo ra những quy định không cần thiết.
Tài nguyên biển ngày càng được sử dụng nhiều để sản xuất thuốc chữa bệnh. Hợp chất tổng hợp từ các vi sinh vật biển đang được thử nghiệm và dùng để sản xuất các chất chống ôxy hóa, chống virut, chống viêm nhiễm, chống nấm, chống HIV, kháng thể, chống ung thư, chống lao và làm thuốc chữa sốt rét.
Các vi sinh vật biển cũng có tác động rất lớn đến khí hậu. Các loại vi tảo phù du đóng góp tới 80-90% năng suất sinh học đại dương, cả trong việc cung cấp ô-xi lẫn hấp thụ các-bon.
Hội thảo tư vấn kết thúc vào ngày hôm nay, 29/06/2007 với kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề mà Đại hội đồng LHQ đưa ra.