Trong những ngày qua, tại địa bàn huyện Đăk Tô và huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, đã có hàng trăm người dân đổ xô vào rừng tìm kiếm, đào bới, tận thu những gốc, rễ gỗ trắc. Dù UBND huyện Đăk Hà đã có chủ trương nghiêm cấm người dân vào rừng khai thác gốc, rễ gỗ trắc xong tình trạng này vẫn phổ biến. “Làn sóng” huỷ hoại rừng tại đây vẫn “dấy” lên mạnh mẽ và chưa được ngăn chặn. Tại Lâm trường Kon Tum có nhiều tiểu khu rừng đã bị “bức tử” hoàn toàn.
Bất lực
Những cánh rừng trồng hồi đầu năm 1997 ở một số nơi tại Lâm trường giờ chỉ còn là những quả núi trùng điệp, hoang tàn, lởm chởm hàng ngàn gốc cây to chừng nửa thân người.
Có đến 300ha – tức toàn bộ tiểu khu 556 – lũ lượt “đội nón ra đi”. Rừng mất với tốc độ chóng mặt. Anh Hiền – phó phòng kỹ thuật Lâm trường – cho biết: “Trong vòng nửa năm từ cuối 2006 đến nay, riêng tiểu khu này thôi, diện tích rừng bị chặt phá đã là 102 ha”, cả chủ rừng, kiểm lâm lẫn chính quyền địa phương đều gần như bất lực trước sự hung hãn của đội quân phá rừng. “Tại xã Vinh Quang, giữa thanh thiên bạch nhật, lâm tặc thậm chí dám huy động hàng chục xe bò ồ ạt triệt phá rừng trồng. Bịt ngõ này, họ bày ngõ khác; chặn ban ngày, họ “rồng rắn” làm đêm
Lâm trường Kon Tum quản lý trên 16.000 ha rừng ở 11 xã thuộc thị xã Kon Tum và huyện Đak Hà, trong đó “xương xẩu” nhất là 3.000 ha rừng trồng, chủ yếu là những khoảnh rừng trà trộn, chen chúc, vá víu giữa cụm dân cư do dự án phủ xanh nhanh chuyển sang. Và đó chính là mầm hoạ. Không kể hàng trăm hécta bị “tảo thanh” giai đoạn 1999-2005, chỉ tính từ đầu 2006 đến nay, vừa cháy, vừa bị chặt phá, đã có thêm 440 ha rừng “không cánh mà bay”.
Hoang mang chờ… chết
Ngày 2/8/2006, căn cứ một thông báo của Tỉnh uỷ Kon Tum (TB 121 ngày 26/6/2006), UBND tỉnh gửi văn bản cho các sở, ngành hữu quan, yêu cầu đề xuất phương án giải thể lâm trường.
Ngày 28/11/2006, UBND tỉnh có công văn xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc giải thể Lâm trường Kon Tum, trong khi theo quy định, tỉnh này còn phải giải trình cụ thể lý do giải thể, số liệu điều chỉnh đất đai của lâm trường về Bộ NNPTNT. Phải đợi đến ngày 25/4/2007, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kính Tần mới ký văn bản gửi Văn phòng Chính phủ “đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định”, sau đề nghị (lần 2) của UBND tỉnh gần một tháng trước đó. Đây hiện được biết là diễn biến mới nhất.
Tồn tại trên thực tế, nhưng bị “cắt sữa” như một đơn vị đã giải thể nên Lâm trường Kon Tum đành kêu cứu. Tiếng kêu không có hồi âm, hay “hồi âm” chỉ là con số không như phản hồi từ liên sở KHĐT, NNPTNT, Tài chính ngày 30/1/2007 trước đề nghị hỗ trợ 90 triệu đồng phòng cháy chữa cháy và nhu cầu quản lý, bảo vệ 2.419 ha rừng: “Kế hoạch vốn 2007 đã được UBND tỉnh phân bổ, hiện không nguồn kinh phí bổ sung”.
Cũng cần nói thêm, việc công khai sớm chủ trương giải thể Lâm trường Kon Tum, vô hình trung, đã “mở đường” cho nạn “bức tử” tài nguyên. Chính Phó giám đốc phụ trách lâm trường Nguyễn Đức Chiên – hồi tháng 10/2006, trong một báo cáo gửi UBND tỉnh, Đảng uỷ khối doanh nghiệp, Sở NNPTNT – đã báo động hiện tượng người dân đổ bộ vào rừng dựng mốc giới, phân chia lãnh địa và… “coi thường sự quản lý của cán bộ, công nhân viên lâm trường”.