Những dòng kênh đen sì tưởng chừng như chẳng ai dám đặt chân xuống vì sợ ghẻ lở, nhưng đó là nguồn nước chính để “nuôi dưỡng” vùng rau thủy sinh tại các quận ven của thành phố Hồ Chí Minh. Người trồng thừa biết rằng đây là những thửa ruộng rau thiếu an toàn, thế nhưng hàng ngày hàng tấn rau như vậy vẫn được chở về nội thành để bán.
Nước đen tưới rau xanh
Đi rảo qua vùng trồng rau ở các phường Tam Bình, Tam Phú, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông… quận Thủ Đức, sẽ bắt gặp những người trồng rau đang xả cống, mở bọng để cho nước từ dòng kênh đen tràn vào các luống rau.
Có người dân đã nói rằng “Tôi trồng rau nay đã có 6, 7 năm nay, nhưng có thấy rau ô nhiễm gì đâu?”.Mà “Nếu ô nhiễm, sao rau không chết?”. Hàng ngày, các mối lái đến lấy rau chẳng có than phiền gì, cũng chưa có ai xuống đây để kiểm tra nhắc nhở. Đây gần như là thái độ chung của hầu hết những người trồng rau muống tại các phường Hiệp Bình Chánh, Linh Đông, Tam Bình… quận Thủ Đức.
Ông Lê Văn Tùng, phường Thới An, quận 12 không giấu giếm: “Những hộ trồng rau ở đây đều dùng nước ở rạch Cầu Dừa đen sì để tưới, vì ngoài ra, không còn nguồn nước nào khác. Chúng tôi vẫn biết con rạch này hứng hầu hết các chất thải từ các nhà máy dọc theo hai bờ rạch, cũng như nhiều nhà máy xí nghiệp khác trong vùng. Nhưng không còn lựa chọn nào khác!”.
Nhiều năm trở lại đây, nạn ô nhiễm hoành hành rất dữ dội trên các kênh ở quận 12 như kênh Tham Lương, rạch Cầu Dừa… Thế nhưng hàng trăm hộ dân từ nơi khác đến đây thuê đất để trồng rau muống. Chỉ những ruộng rau cạnh nhà, ông Nguyễn Văn Tân, khu phố 3, phường Thạnh Xuân ngao ngán: “Dòng kênh nước đen sì, có lúc còn đặc quánh, sắp trẻ trong xóm mấy lần nghịch ngợm bị ghẻ lở tùm lum. Thế nhưng họ cứ thản nhiên lấy nước này tưới cho cây rau muống và rau nhút”.
Ở những vùng đất một thời được xem là “thánh địa” của cây rau thành phố, như Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12… cũng trong tình trạng báo động đỏ về rau nước nhiễm hàm lượng kim loại nặng do hóa chất thải ra từ các khu công nghiệp. Mới đây, trong công trình nghiên cứu, TS Bùi Cách Tuyến, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM phát hiện: Hàm lượng kẽm trong mẫu rau muống ở Bình Chánh cao hơn mức cho phép gấp 30 lần; ao rau nhút ở phường Thạnh Xuân, quận 12 có hàm lượng chì cao hơn mức cho phép gấp 35 lần; sen ở Đông Thạnh, Hóc Môn có hàm lượng chì cao gấp 14 lần mức cho phép…
“Bó tay” rau thủy sinh?
Một cán bộ ngành nông nghiệp vò đầu bứt tai: “Chức năng của Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố là cấp phép cho những đơn vị trồng rau an toàn. Chúng ta chỉ thực hiện việc làm thế nào để có vùng rau an toàn chứ chưa loại bỏ những vùng rau không an toàn. Trên thực tế, hiện chưa có quy định, chưa có văn bản nào cấm không được trồng rau không an toàn. Điều đáng nói là từ năm 2002, qua các đợt kiểm tra môi trường thì Chi cục Bảo vệ thực vật và Sở NN-PTNT TPHCM đã đưa ra kiến nghị nên cấm sản xuất 215ha (phần lớn vùng rau thủy sinh bị đưa vào danh mục cấm là ở hai quận Thủ Đức và quận 12). Tuy nhiên, cho đến nay đã hơn 5 năm trôi qua chỉ một số ít hộ trồng rau ở quận 12 chịu di dời lên Củ Chi, phần lớn các hộ còn lại của vùng rau này vẫn trồng và bán một cách thoải mái, vô tư!
Tình hình trồng, buôn bán rau thủy sinh của thành phố cho đến giờ vẫn còn bỏ ngỏ. Chính vì vậy người tiêu dùng vẫn luôn trong tình trạng lo lắng, bất an khi chọn mua những loại rau nước. Lẽ nào “lối ra” duy nhất hiện nay chỉ còn việc trông chờ vào tính tự giác của người trồng rau?.
Ngày 19-1-2007, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã ký Quyết định số 04/2007/QĐ-BNN “Quy định về quản lý sản xuất và chứng nhận rau an toàn”. Quyết định nêu rõ: Nước tưới cho rau phải lấy từ nguồn không bị ô nhiễm bởi các vi sinh vật và hóa chất độc hại, phải đảm bảo chất lượng nước tưới theo tiêu chuẩn; không sử dụng nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc, nước phân tươi, nước giải, nước ao tù đọng để tưới trực tiếp cho rau; nguồn nước tưới cho các vùng rau an toàn phải được kiểm tra định kỳ và đột xuất. |