ThienNhien.Net – Núi Bà Đen (Tây Ninh) là một quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng nổi tiếng Nam Bộ, đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (VHTT) công nhận là di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia. Với hệ thống hang động và cảnh quan tự nhiên đẹp kỳ bí, kết hợp kiến trúc tôn giáo đã mang đến nơi này vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên. Nơi đây thật sự trở thành nơi trở về với cội nguồn, đời sống tâm linh, du lịch sinh thái và truyền thống cách mạng của dân tộc. Nhưng giờ đây, ngọn núi này đang ngày đêm bị người ta tàn phá.
“Xẻo thịt” núi Bà
Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Bộ với những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại. Nhưng hiện nay, sát sườn núi Phụng và núi Đất những vạt núi bị đánh sập, sạt lở nham nhở, lồi lõm cùng những hồ nước tù đọng rộng lớn, sâu hoắm.
Hàng đoàn xe đào, xe xúc, xe tải, xe ben…nối đuôi nhau ra vào tấp nập, chở đá ra khỏi núi. Theo lời kể của một nông dân trồng mãng cầu xiêm ven con đường dẫn về huyện Tân Châu, trước đây triền núi Phụng, núi Đất phủ đầy cây rừng, chim thú nhan nhản và chưa bao giờ Núi Bà bị “xả thịt” kinh khủng như bây giờ.
|
Ngày ngày, Núi Bà vẫn “đón tiếp” các chuyến xe nối đuôi nhau “đẽo” đá mang đi bán. |
Hiện nay, có khoảng 10 mỏ đá đang ngày đêm khoét núi (thuộc khu vực núi Phụng và núi Đất của núi Bà Đen), mỗi ngày khu di tích lịch sử cấp quốc gia này mất khoảng 300 m3 đá. Nhưng đó chỉ là con số báo cáo, còn trên thực tế nhiều mỏ đá đã “thoáng tay” thỏa sức nổ mìn phá núi. Không chỉ đá núi bị đào khoét mà nhiều khu đất xung quanh chân núi, thậm chí lưng chừng chân núi cũng đang bị một số đối tượng lấn chiếm để trồng cây ăn quả. Ngành lâm nghiệp đã đầu tư không ít tiền của lẫn công sức để trồng các loại cây rừng đặc hữu đúng theo tiêu chuẩn của một di tích văn hóa cấp quốc gia nhưng mọi chuyện vẫn chỉ là con số không.
Bên cạnh việc “xẻo thịt” núi Bà Đen, tình hình môi trường cũng đang nằm trong tình trạng báo động.Ngay trước mắt, việc “xẻo thịt” núi Bà gây ô nhiễm tiếng ồn, bụi, làm mất cảnh quan. Núi Bà là một địa điểm có nhiều các công trình văn hóa lịch sử với một lượng khách tham quan du lịch lớn (khoảng 1 triệu lượt khách đã đến núi Bà vào dịp lễ hội vừa qua), nhưng cả một khu rộng lớn này không hề có chỗ xử lý rác ( theo lời của bảo vệ khu di tích). Ven theo những con đường dốc lên núi hàng quán dày đặc cùng những những hố chôn rác đào sơ sài, những ngày mưa ẩm thấp, mùi xú uế bốc lên cả một vùng.
Tại sao người ta lại ngang nhiên được phép xẻo thịt núi Bà Đen như vậy?
Năm 1994, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 155/QĐ-UB phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát triển kinh tế – văn hoá – du lịch khu di tích núi Bà Đen và cho phép khai thác đá sườn bắc núi Phụng, sườn tây núi Đất (thuộc tổng thể núi Bà Đen). Thế là hàng chục công ty nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã…”nhảy vào xâu xé” núi Bà. Các đoàn quân xe cơ giới “hiên ngang” thẳng tiến, bới xúc và mang đá núi Bà chở đi. Cường độ xẻ thịt lấy đá ở núi Bà Đen trở nên mạnh mẽ, dư luận phẫn nộ bắt đầu lên tiếng.
Đến năm 1998, UBND tỉnh Tây Ninh gửi tờ trình số 113 – TT/UB lên Bộ VHTT xin điều chỉnh lại chỉ giới khu bảo vệ di tích núi Bà. Hành động này phải chăng “bào chữa” cho quyết định “xẻo thịt” núi Bà sai lầm vào năm 1994 của tỉnh? Đề nghị này đuợc thứ trưởng Bộ VHTT ( lúc bấy giờ là ông Lưu Trần Tiêu) thông qua, và nghiễm nhiên việc “xẻo thịt” núi Bà…được hợp pháp hoá.
Sau gần 10 năm bị “xẻo thịt” bởi 10 mỏ đá trên diện tích khoảng 700.000km2 bởi các công ty: Vật liệu xây dựng, xây dựng Miền Đông, Quyết Thắng, xây dựng 48, Nhật Quang, HTX Rạng Đông, …ngày ngày, núi Bà vẫn bị gài chất nổ và “tùng xẻo” hàng trăm ngàn mét khối đá mang đi bán khắp nơi.
|
Núi di tích hay khu vực khai thác khoáng sản? |
Cả một vùng di tích đẹp nên thơ đã bị biến thành vùng đất chết tan hoang, lồi lõm với nham nhở các hố sâu thăm thẳm, đầy nước tù đọng. Nếu cường độ xẻ thịt núi Bà như hiện nay không được ngăn chặn thì danh thắng núi Bà Đen chẳng mấy cũng sẽ không còn.
Hãy cứu núi Bà
Trong đề án “Điều chỉnh quy hoạch khai thác đá tại núi Bà Đen, giai đoạn 2005-2010” do Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Tây Ninh ban hành ngày 13/7/2005, thừa nhận: “Mặt được của việc khai thác đá ở núi Bà Đen là cung cấp đủ lượng đá phục vụ nhu cầu xây dựng trong tỉnh hàng năm ngân sách thu được từ 3-4 tỉ đồng từ hoạt động khai thác đá, tạo việc làm cho trên 400 lao động… Song, khai thác đá làm mất đi một phần vẻ đẹp, cảnh quan môi trường của núi Bà Đen”.
Trách nhiệm này, trước hết thuộc về chính quyền địa phương tỉnh Tây Ninh. Ngày 29/05/2007, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTT) Đặng Văn Bài đã có văn bản số 543/DSVH-DT, gửi UBND tỉnh Tây Ninh. Một lần nữa, Cục Di sản văn hoá khẳng định:”Núi Bà Đen đã được xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 100/QĐ-VH ngày 21/01/1989 của Bộ VHTT; do đó, việc khai thác đá trong khu vực di tích hoặc khu vực phụ cận phải được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hoá”.
Nhưng bất chấp các quy định, vì “mục đích 3 – 4 tỉ đồng hàng năm” và cùng những nguồn lợi khác mà người ta vẫn “xẻo thịt” núi Bà, xẻo xong xin hợp thức hoá cũng chưa muộn! Lại nhớ đến chuyện vịnh Nha Trang (Khánh Hoà) xin rút khỏi tên ra danh sách di sản văn hoá Quốc gia vì muốn phát triển kinh tế địa phương, thiết nghĩ để tìm được sự hài hoà giữa các mục tiêu phát triển và bảo vệ thật khó thay!
Hơn bao giờ hết, mọi hành vi xà xẻo núi Bà Đen phải được trung ương và chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời, để di tích núi Bà Đen mãi còn lại với con cháu mai sau.