Qua khảo sát, nghiên cứu về sự đa dạng sinh vật biển tại vịnh Nha Trang (Khánh Hoà), Viện Hải dương học Nha Trang đã bắt gặp loài ốc gai(<i>Drupella spp.</i>) khá phổ biến tại nhiều vùng rạn trong vịnh. San hô là thức ăn chính của loại ốc gai này nên nó là đối tượng cần phải tiêu diệt để bảo vệ san hô.
Trước đó, Viện Hải dương học Nha Trang cũng đã nhiều lần cảnh báo sự hiện diện một số lượng lớn sao biển gai ở Vịnh Nha Trang là một trong những nguyên nhân chính làm suy thoái nghiêm trọng các rạn san hô tại đây (vì san hô là thức ăn của loài này). Kết quả khảo sát cho thấy, có thời điểm mật độ sao biển gai phát triển lên đến 100 cá thể/ ha tại bãi Lận- phía Nam Hòn Tre; khu vực phía Nam Hòn Vung và Hòn Miễu cũng có mật độ khá cao, khoảng 50 cá thể/ ha. Từ năm 2002 đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang đã huy động lực lượng và vận động ngư dân sống trong khu bảo tồn biển tiến hành nhiều đợt “truy quét” sao biển gai với tổng số 60.000 con bị thu nhặt, nên số lượng sao biển gai đã giảm hẳn.
Hiện nay, tổng diện tích rạn san hô tại Vịnh Nha Trang còn 731 ha, tập trung chủ yếu tại các khu vực: Hòn Tre, Hòn Mun, Hòn Tằm, Hòn Một… So với 10 năm trước, diện tích rạn san hô đã suy giảm trên 31%, bởi nhiều tác động khác nhau: có nhiều sinh vật địch hại, bệnh của chính san hô, các hoạt động du lịch, ưu dưỡng và lắng đọng trầm tích…