Ra đời từ Festival Huế 2002, tour du lịch nhà vườn Phú Mộng-Kim Long, đã thực sự hấp dẫn du khách bởi nét cổ xưa của những ngôi nhà rường truyền thống với vườn cây trái xanh mượt của vùng đất Kim Long vốn nổi tiếng bao đời nay. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn tour du lịch nhà vườn Phú Mộng- Kim Long đang rơi vào tình cảnh “chợ chiều”, các chủ nhân của những ngôi nhà vườn trên 100 năm tuổi đã chán với cách làm du lịch không công…
Làm du lịch… không công
Cách trung tâm TP Huế chừng 4km, khu du lịch nhà vườn Phú Mộng – Kim Long là tuyến du lịch sinh thái lý tưởng vừa thuận lợi đối với du khách bởi nó nằm chính ngay trong lòng thành phố với những ngôi nhà vườn kiểu mẫu đặc trưng của Huế. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, hiệu quả kinh tế của du lịch nhà vườn Huế đến nay vẫn là số không.
Đến nhà vườn của bà Phạm Thị Túy, số nhà 2/3 Phú Mộng, là phủ Thượng thư Bộ Lễ ở triều đình Huế Phạm Hữu Điển, ngôi nhà được xây dựng từ năm Thành Thái thứ 6 (1894). Đây là một kiến trúc nhà vườn mẫu ở Huế vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, hiện còn nguyên vẹn và là điểm tham quan lý tưởng trong tour du lịch nhà vườn Huế hiện nay. Tuy nhiên, chủ nhân là cụ bà Phạm Thị Túy (80 tuổi) không còn mặn mà gì với việc đón khách. Tấm biển “điểm tham quan” đã “rơi rụng” lúc nào không hay, cổng nhà im ỉm đóng. Cụ Túy cho hay, trước, khách đến nhiều, giờ thì thưa dần “hơn nữa tuổi già sức yếu nên không thể suốt ngày ngồi chờ để mở cửa cho khách tham quan!”.
Ông Hoàng Xuân Bậc, chủ nhân của điểm tham quan thứ 4 trong tour du lịch cũng cho hay: “5 năm làm du lịch nhà vườn tui chỉ thu nhập được 400 ngàn đồng”. Từ khi tour du lịch này mở ra chẳng thấy có một hãng du lịch nào ký kết với người dân để đưa khách đến đây và cũng chẳng ai quan tâm khách đến và đi như thế nào. Những năm trước khách còn đông, bây giờ cứ thưa dần, “nhiều lúc thấy nản bởi làm du lịch mà chẳng thu được lợi nhuận gì”. Hiện tại hàng chục chủ nhân nhà vườn ở Phú Mộng cũng đang than ngắn thở dài vì việc làm du lịch… không công!
Mạnh ai nấy làm!
Trước tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, các chủ nhà vườn tự nghĩ ra kế sách để tồn tại, đó là kinh doanh dịch vụ để duy trì làm du lịch. Thế là các quán nhậu, quán karaoke mọc lên ngay trong điểm tham quan nhà vườn. Anh Lê Chánh Tuấn, chủ nhân điểm tham quan số 1 cho hay, phải vay gần 100 triệu đồng mở quán nhậu “Vườn sinh thái” ngay trong vườn nhà. Phú Mộng Viên của ông Hoàng Xuân Bậc cũng được đầu tư thêm mấy nhà rường bên cạnh nhà cổ để làm quán ăn. Khung cảnh của nhà vườn ngày bị phá vỡ, điểm tham quan du lịch đã trở thành điểm nhậu nhẹt…
Có thể nói rằng, tour nhà vườn Phú Mộng – Kim Long là một sản phẩm du lịch độc đáo của TP. Huế, tuy nhiên việc khai thác du lịch không đúng, hiện đang đứng trước nguy cơ “chết yểu”. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thành, Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế cho rằng: “Tour Phú Mộng – Kim Long chưa hiệu quả do việc gắn kết lợi ích của người dân với làm du lịch chưa cao. Đã làm du lịch là tính đến lợi nhuận, nhưng đằng này… Trước đây TP Huế đã đầu tư 500 triệu đồng để mở đường vào khu du lịch nhà vườn, phường Kim Long đầu tư hơn 1 tỷ đồng để chỉnh trang lại, ngành du lịch đầu tư 30 triệu đồng làm tờ rơi và bản đồ tuyến để giới thiệu đến du khách… nhưng so với nhu cầu thì chưa đạt”.
Còn ông Lê Đình Phú, Phó chủ tịch UBND phường Kim Long cho hay, phường hiện còn tồn tại 60 ngôi nhà rường cổ, trong đó có 47 ngôi nhà rường tiêu biểu cho lối kiến trúc truyền thống Huế. Phần lớn những tòa nhà được lợp bằng ngói liệt, nằm ẩn mình dưới vòm cây xanh… Trước nhà có bình phong, bể cạn, hòn non bộ… Tuy nhiên với cách làm hiện nay, du lịch nhà vườn không thể phát huy được hiệu quả. Hiện TP Huế đang khuyến khích các nhà vườn tự bỏ vốn đầu tư nhưng xem ra không mấy ai mặn mà! Nói như ông Hoàng Xuân Bậc “không muốn tung một số tiền lớn đầu tư để… ngồi chờ thời”. Hiện tuyến du lịch nhà vườn Huế vẫn lẩn quẩn chưa tìm được lối thoát….