Khói lò gạch ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ

Hàng nghìn mét vuông hoa màu bị phá huỷ, 47/317 lượt người khám bị mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, hai người đã qua đời khi còn rất trẻ… là con số báo động về ô nhiễm môi trường do khói từ các lò gạch thủ công thuộc phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội).

Hoa màu kêu cứu, dân tình cực khổ



Trên dưới 50 cái lò gạch thủ công nằm rải rác trên địa bàn tổ 1 và tổ 2 phường Long Biên, trong đó có cả cụm Thạch Cầu đang hoạt động hết công suất. Khói từ các lò gạch xả ra bay nghi ngút. Khói bay lên kéo theo thu nhập của người dân nông nghiệp giảm mạnh. Thu nhập từ gần 2000m2 đất hoa màu của nhà anh Thụ – tổ 2, cụm Thạch Cầu cũng chỉ vỏn vẹn có 300 triệu đồng/năm so với 400 – 500 triệu đồng/năm (khi chưa có lò gạch).


Bức xúc anh Thụ nói: “Chỉ có già cây số đường bờ sông mà có tới từng ấy cái lò gạch đua nhau nhả khói thì rau cỏ, hoa mầu nào ngóc đầu lên được, cho dù có là mọc ở ven con Sông Hồng đỏ nặng phù sa…?”.


Do ngày đêm phải hứng chịu sức nóng và khói từ những lò gạch các loại cây ăn quả cũng không chịu được nữa là cây hoa màu. Người dân ngạt thở, trồng mà không có thu.


Khi chưa có lò gạch, khu ruộng nhà anh Thụ là chỗ dựa cho cả gia đình. Năm 2003 và 2004 chỉ riêng tiền thu được từ rau bí thôi đã lên tới 20 triệu đồng/năm.


Bây giờ rất nhiều người nông dân đã chuyển sang cây ngô để đối phó với “khói” từ các lò gạch. Xong dù chuyển hay không thì mức độ bị ảnh hưởng vẫn là rất lớn. Vụ vừa rồi, cả thửa ruộng nhà anh Hoàng Văn Thụ chỉ thu được có 80kg ngô và bán được 300.000 đồng (riêng đầu tư mua con giống đã hết 120 000 đồng).


Không riêng nhà anh Thụ, những thửa ruộng khác của nhà Bà Tánh, anh Chiến, chị Phú.. ở tổ 2, cụm Thạch Cầu cũng cùng chung số phận do bị khói gạch đánh xơ xác. Đi sâu vào bên trong, hàng trăm bụi chuối và hàng chục hecta rau màu bị khói táp tả tơi, vàng úa, mặc dù đây vẫn chưa phải là thời điểm để các lò gạch hoạt động mạnh.


Khác với anh Thụ, ông Hoàng Văn Lựu có nỗ bức xúc riêng của mình. Dù những lò gạch cách nhà ông đến mấy trăm mét nhưng mỗi lần gió lên là nhà cửa, sân vườn nhà ông lại ngập chìm trong khói bụi. Ông Lựu nói: “kể từ khi có lò gạch ở đây, hoạt động cả ngày lẫn đêm khói bụi cùng sức nóng ngột ngạt do khí CO2 mang lại với nồng độ cao đã đem theo mùi cực kỳ khó chịu”. Đấy là chưa kể đến những bãi xỉ than do chủ lò đốt bừa bãi tấn công vào khu dân cư mỗi khi gió từ bờ sông thổi vào.
 
Trao đổi với chị Khuất Thị Dung, trạm trưởng trạm Y tế phường Long Biên, được biết: Rất nhiều người dân sống quanh khu lò gạch này đã bị nhiễm bệnh chủ yếu là các bệnh liên quan đến phổi, bệnh hen hoặc là bệnh viên phế quản co thắt… Nguyên nhân chính mà chị Dung cho rằng có ảnh hưởng đến các loại bệnh trên là do khói của các lò gạch kia. Bà Lạp đang khoẻ mạnh bình thường bỗng dưng bị viêm phổi nặng và đang còn phải điều trị.
 
Trước đó anh Nhụ và chị Tính cũng mắc bệnh tương tự nhưng đã qua đời khi tuổi còn rất trẻ. Gần đây nhất là trường hợp của cụ bà Trần Thị Lịch. Ngày 20/5/2007 Cụ Lịch đã bị ho ra máu, và được chẩn đoán là mắc bệnh lao phổi. Hiện cụ đã được chuyển ra Bệnh viện Lao phổi TW. Chị Dung cho biết: Năm 2006 (từ tháng 4 đến tháng 12) có 120/952 lượt người khám bị mắc bệnh hô hấp, trong khi đó mới có 4 tháng đầu năm 2007 (từ tháng 1 đến tháng 5) có tới 47/317 lượt người khám bị mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp và bệnh phổi.

“Quần thể lò gạch” xuất hiện từ năm 1996 đến nay, các lò gạch này đã tồn tại được 10 năm. Ban đầu chỉ 1 hoặc 2 lò nhưng từ khi cán bộ thôn ký thoả thuận với các chủ lò gạch, “bật đèn xanh” cho họ có cơ sở pháp lý thì các lò gạch ngày một nhiều lên. Nhiều bãi đất bị khai thác vô tội vạ dẫn đến diện tích khu đất bãi ngày một bị thu hẹp dần. Nhiều diện tích trở thành ao đầm, không thể canh tác được gì…
 
Dọc đoạn đường bờ sông Hồng từ đầu cầu Chương Dương đến côn trường xây dựng cầu Vĩnh Tuy có đến trên dưới 50 cái lò gạch cũ còn đang hoạt động. Trung bình mỗi lần đốt lò, một lò có thể xuất ra từ 5 – 8 vạn gạch và tiêu hao ngót nghét hang chục tấn than. Như vậy, làm phép tính thử mỗi lần đốt, con người sẽ phải hít thở biết bao nhiêu là khí thải độc hại từ đó.

Cũng có một giải đáp… cuối cùng

Nhiều lần dân ở đây thắc mắc, kêu lên phường yêu cầu chính quyền giải quyết nỗi khổ “sống chung với khói”, nhưng sự việc vẫn rơi vào im lặng. Đi tìm lời giải đáp cho dân, chúng tôi tìm đến thôn Thạch Cầu và được ông Ngô Bá Huân tổ trưởng ở đấy giải thích: “Chính quyền làm việc không mạnh tay, không dứt điểm được chỉ lơ là đi một chút là họ lại làm”. Nguyên nhân do lợi ích từ việc đóng góp của các chủ lò gạch cho thôn để xây dựng các công trình công cộng như: trường học, chùa, đường xá…  mà thôn đã lờ đi để các chủ lò gạch tiếp tục hoạt động trong khi thoả thuận giữa hai bên đã hết hiệu lực cách đây 5 năm.

Tuy nhiên, đã có tín hiệu đáng mừng…  Phó chủ tịch UBND phường Long Biên, Nguyễn Ngọc Phan cho biết: Thành phố đã có lệnh cưỡng chế yêu cầu thôn Thạch Cầu cùng với UBND phường Long Biên xúc tiến việc dẹp bỏ những lò gạch trái phép kia để tránh gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khoẻ người dân (một phần cũng vì khu vực này sắp có dự án xây dựng nhà cao tầng).


Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Phan cho biết thêm, ngày 25/6 tới sẽ bắt đầu thực hiện giải toả. Ông cũng khẳng định với báo chí chắc chắn trong tháng 6 sẽ hoàn tất việc tháo rỡ các lò gạch trái phép không để rây dưa thêm nữa.


Người dân trong khu vực bị ô nhiễm đang chờ đợi các cấp chính quyền có thực thi đúng lời hứa của mình hay không…