Rừng Tam Đảo sẽ biến thành khu giải trí

200 ha đất ở vùng lõi Vườn quốc gia Tam Đảo sẽ trở thành nhà nghỉ cao cấp, vila, sân golf, sòng bạc…, theo dự kiến của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phi nói: “Nơi đây sẽ trở thành thiên đường, là nơi du lịch có một không hai cho những khách tham quan cao cấp”. Hiện có hai nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ ra gần 300 triệu USD để biến ý tưởng trên thành hiện thực.

Theo quy hoạch mà các nhà tư vấn của Công ty Belt Collin Hawaii Ltd và Công ty Vietnam Patrers LLC (Mỹ) đưa ra, vùng Tam Đảo 2 sẽ biến thành khối xây dựng gồm 3 khu nhà và 1 khu giải trí đặt tại lòng chảo. Đó là trung tâm môi trường, khu nhà nghỉ cao cấp, trung tâm hội nghị, sòng bạc với số lượng 200-400 phòng; một sân golf 9 lỗ, khu village cao cấp với diện tích 2.000 m2. Ở hai phương án khác, khu du lịch cũng có hạng mục tương tự, chỉ thay đổi vị trí.

Phần lớn các quan chức của tỉnh đều khẳng định nên xây khu du lịch sinh thái trên vì Tam Đảo 2 không còn gì để bảo tồn. Theo ông Nguyễn Đạm, Phó giám đốc Sở Xây dựng, người đã khảo sát Tam Đảo 2 nhiều lần, đây là nơi không gian bằng phẳng, không có cây đại thụ, chỉ là rừng lúp xúp.

Các nhà khoa học đề nghị xem xét lại

Tuy nhiên, giáo sư Bùi Công Hiển, Giám đốc Trung tâm ứng dụng côn trùng học, Đại học Khoa học tự nhiên, cho rằng mới qua mấy ngày khảo sát thì không thể biết ngay được còn gì để bảo tồn hay không. Nếu phát triển du lịch sinh thái ở đây, theo ông cần khảo sát xem tiềm năng có gì, hệ động thực vật, thủy văn thế nào, địa chất cho phép làm những gì, rồi mới lập dự án tiền khả thi.

Tiến sĩ Trần Hồng Hà, Cục trưởng Bảo vệ Môi trường, Bộ Tài nguyên môi trường, cho rằng, nhiều nước cũng sử dụng đất tại vườn quốc gia để phát triển khu du lịch sinh thái, nhưng phải khoanh định đâu là khu bảo vệ tuyệt đối, đâu là vùng đệm, đâu là vùng khai thác sử dụng gắn với phát triển. Để làm như vậy, cần đánh giá tác động môi trường, xem xét vùng đó có nằm trong khu bảo tồn không, có tác động lên hệ động thực vật không. Theo ông Hà, dự án này không chỉ Nhà nước quyết định mà phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các tổ chức, hiệp hội, các nhà khoa học.

Còn tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường, thì đề nghị dừng ngay dự án. Theo ông, việc khai thác một phần vườn quốc gia Tam Đảo chắc chắn sẽ tác động xấu đến toàn bộ diện tích còn lại, đến các hệ sinh thái, loài, nguồn gene, trong đó có hệ sinh thái đất ngập nước trên núi cao duy nhất của Việt Nam.
Ông Sinh cũng cho rằng, việc xây dựng hàng loạt công trình vui chơi, cờ bạc, hưởng thụ ở một vùng đất linh thiêng của đất nước như núi Tam Đảo sẽ gây ra những vấn đề tâm lý xã hội cực kỳ phức tạp.

Theo giáo sư Nguyễn Văn Trương, Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái, các phương án phát triển khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2 có tính chất kinh doanh hơn là bảo vệ môi trường. Diện tích làm sân golf, đường xá, khách sạn quá nhiều.
“Một cây ở Tam Đảo có giá trị khác hẳn cây ở vùng khác. Tất cả những gì còn lại ở Tam Đảo 2 đều là di sản tự nhiên, phải giữ lại” – ông Trương nói. Theo giáo sư, nếu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc muốn phát triển kinh tế từ khu Tam Đảo, nên tập hợp các nhà khoa học lại cùng bàn và đưa ra phương án tối ưu để tránh những hậu quả lớn cho môi trường.

Ngoài các ưu thế về thiên nhiên, khí hậu, Tam Đảo là nơi hội tụ của hơn 490 loài thực vật, trong đó có nhiều loài đặc hữu , quý hiếm như sam bong, pơ mu, thông tre, kim giao, lèn xanh, sa nhân, đỗ quyên, cùng các loại phong lan, địa lan nổi tiếng.
 
Về động vật, vườn quốc gia Tam Đảo có đến 281 loài như hổ báo, khỉ, voọc đen má trắng, hươu, nai, gà lôi, chồn hương và những loài đặc biệt quý hiếm như sa dông (cá cóc), gà so cổ đỏ cùng hang trăm loài côn trùng độc đáo…Vùng đất ướt, bắt đầu từ độ cao 1.100m đến 1.403m (khu long chảo) được coi như lá phổi điều hoà khí hậu cho cả miền Bắc.