Qua hai ngày kiểm tra ( ngày 13,14/6) đoàn công tác Chi cục kiểm lâm Bình Dương, Viện Sinh thái và Tài nguyên, tổ chức CITES đã thẩm định nhằm cấp giấy chứng nhận cho 4 đơn vi được phép nuôi thí điểm động vật hoang dã.
Đây là nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ tại văn bản số 176/VPCP-NN ngày 4/4/2007 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý nuôi hổ trái phép tại tỉnh Bình Dương.
Đáng chú ý là ngoài 43 con hổ mà đoàn kiểm tra thống kê, còn phát hiện 4 đơn vị trên còn nuôi hàng chục loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm khác đang nằm trong sách đỏ Việt Nam cần chăm sóc bảo vệ như: sư tử, tê giác, mèo gấm, voọc bạc….Tại Công ty Cổ phần Đại Nam ngòai nuôi 2 con hổ Đông Dương, đoàn kiểm tra còn lập biên bản nhiều loài động vật quý hiếm như: 2 con tê giác Châu Phi, 2 con sư tử trắng, 1 con mèo gấm, 3 con báo Đông Dương, báo gấm, báo lửa, 2 con voi và các loài quý hiếm khác như cheo, rái cá, voọc bạc, chồn mực…
Riêng ông Huỳnh Phi Ngọc nuôi 7 con hổ cũng được đoàn kiến nghị chăm sóc tốt, đặc biệt không để đàn hổ nuôi trong nhà.
Đoàn công tác kiểm tra cũng cho biết 4 đơn vị trên chưa hoàn toàn đảm bảo nghiêm ngặt về an toàn. Vẫn có nguy cơ thú dữ nuôi có thể xổng chuồng ra ngoài gây ảnh hưởng nguy hại đến người chăn nuôi cũng như người tham quan.
Theo đoàn công tác, để nuôi thí điểm về bảo tồn và sinh sản thì 4 đơn vị nói trên phải lập phương án khoa học về bảo tồn. Đồng thời phải được tổ chức CITES công nhận đủ điều kiện nuôi bảo tồn và sinh sản thì mới có khả năng tồn tại mô hình nuôi và sinh sản của đàn động vật quý hiếm hiện tại.