ThienNhien.Net – Đúng vào thời điểm tập đoàn đa quốc gia về đồ giải khát này thông báo sẽ đầu tư cho việc bảo vệ các dòng sông tại 4 châu lục thì tại Ấn Độ chính họ lại bị khiếu nại về việc chiếm dụng đất của những người dân địa phương và xả chung nước thải cùng với rác công nghiệp ra khu vực gần nơi dân cư sinh sống. Theo các nhà họat động môi trường thì đây không phải là lần đầu tiên Coca Cola bị buộc tội tại Ấn Độ.
Ngoài những khiếu nại trên, Coca còn bị phê phán vì đã xả nước thải chưa qua xử lý ra những cánh đồng và kênh rạch đổ vào sông Hằng vùng phía bắc bang Uttar Pradesh. Ông Amit Srivastava, thuộc Trung tâm tài nguyên Ấn Độ chỉ trích: “Tiếp cận với nguồn nước sinh hoạt là quyền cơ bản của con người. Coca-Cola cần phải biết rằng họ đang góp phần làm mất đi sự bền vững về nguồn cung cấp nước ở Ấn Độ và cả những nơi khác.”
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Coca Cola bị buộc tội. Năm 2003, để đáp lại chiến dịch phản đối Coca-Cola mạnh mẽ của dư luận, Cục kiểm soát ô nhiễm quốc gia Ấn Độ đã tiến hành điều tra hệ thống xử lý nước thải tại 8 nhà máy đóng chai của công ty này, phát hiện trong nước thải có hàm lượng chì, cátmi, crôm cao và đã yêu cầu công ty tiến hành xử lý như đối với chất thải công nghiệp độc hại. Những vụ việc này cùng với các sự cố diễn ra tại Côlômbia đang gây phiền toái cho trụ sở chính của hãng đặt tại
Chỉ trong 6 tháng qua, sinh viên thuộc 25 trường đại học của Mỹ, Canađa và Anh đã tẩy chay Coca-Cola. Hãng này cũng đã bị loại ra khỏi danh sách nhà thầu cung cấp nước giải khát tại các trường học.
Phản ứng của Coca-Cola
Coca đã phản ứng quyết liệt trước sự buộc tội. Diana Garza Ciarlante, người phát ngôn của hãng, phân trần “Mặc dù mối quan hệ giữa chúng tôi và trường học rất quan trọng nhưng uy tín của công ty còn quan trọng hơn nhiều. Chúng tôi tập trung vào vấn đề nước vì đây là lĩnh vực mà chúng tôi có thể gây ảnh hưởng tích cực và trực tiếp”
Trong tuần qua, Coca đã tuyên bố sẽ dành 20 triệu USD để bảo vệ 7 vùng lưu vực sông, hồ quan trọng nhất của thế giới, gồm các sông Trường Giang (Trung Quốc), Mê Kông (trong vùng ĐNÁ), RioGrande/Rio Bravo của vùng Tây Nam Mỹ và Mêhicô, các dòng sông, suối vùng Đông Bắc nước Mỹ, vùng rạn san hô Mesoamerican Caribbean, lưu vực hồ Malawi ở Đông Phi và sông Đa nuýp ở châu Âu.
Srivastava tiếp tục sự chỉ trích: “Chúng tôi coi đó chỉ là hành động đánh bóng uy tín môi trường (greenwashing – ThienNhien.Net) bởi Coca-Cola cố gắng tạo nên một “hình ảnh xanh” về mình nhưng đó lại không phải là thực chất, như những gì ở Ấn Độ đã cho thấy. Trong chương trình bảo vệ lưu vực sông của hãng này không hề đề cập đến Ấn Độ, đó là vì chúng tôi ngày càng nhận ra chân tướng những ảnh hưởng tiêu cực mà họ gây ra đối với nguồn nước và rằng những gì họ đang làm chỉ khiêm tốn như một giọt nước.”
Nhận xét về chương trình bảo vệ nguồn nước của Coca, Patti Lynn, một thành viên trong nhóm giám sát doanh nghiệp nói “Hoạt động này vốn là tốt nhưng xét về tổng thể thì đó là sách lược nghi binh của hãng để thu hút sự chú ý của các nơi khác. Coca chỉ đang cố gắng phát triển quan hệ công chúng.”
Nhóm giám sát doanh nghiệp cho biết trong giai đoạn 1970-2000, lượng tiêu thụ nước đóng chai đã tăng 7.000%, truy nhiên ngành công nghiệp này hầu như hoạt động tự do, không bị kiểm soát. Năm 1999, nước đóng chai được kiểm nghiệm ở Mỹ và người ta đã phát hiện ra có nhiễm asen, clo, và các tạp chất bị cấm khác.
Theo Viện Chính sách Các vấn đề Trái đất, đặt tại Washington, DC hàng năm các hãng kinh doanh nước đóng chai trên thế giới đạt doanh thu khoảng 100 tỉ USD, tuy nhiên chỉ có khoảng 15 tỉ USD trong số đó được đầu tư vào việc tiếp cận nguồn nước cho nửa tỉ người trong khi một số lượng người lớn hơn như vậy vẫn đang “khát”.
Lynn nhận xét “Cách thức mà Coca, Pepsi và Nestle quảng bá cho các sản phẩm nước đóng chai đã làm suy giảm lòng tin của mọi người, và điều này sẽ góp phần làm thay đổi suy nghĩ chung của cộng đồng, thay vì mua nước đóng chai, chúng ta cần phải đầu tư vào hệ thống cấp nước công cộng”.