Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây ung thư như tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình, các nguyên nhân khoa học, nguyên nhân vật lý, các tác nhân sinh học và yếu tố nghề nghiệp, môi trường sống cùng chế độ ăn uống… Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, với hàng loạt các sự cố thực phẩm, nỗi lo ung thư từ thực phẩm đang là nỗi lo thường trực của người dân.
Việc sử dụng tràn lan các hóa chất, phụ gia độc hại trong nuôi trồng, chế biến nông thủy hải sản chính là nguyên nhân dẫn đến nỗi lo ấy. Điều cần thiết lúc này là làm sao để nhận diện các nguy cơ gây ung thư và làm gì khi bị ung thư.
Nhận diện nguy cơ
Theo GS Nguyễn Chấn Hùng – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Chủ tịch Hội Ung thư TPHCM: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống có mối liên quan chặt chẽ đến bệnh ung thư nhất là trong thời điểm hiện nay khi mà tình trạng sử dụng các hóa chất, phụ gia độc hại trong nuôi trồng, chế biến nông thủy hải sản vẫn khá tràn lan và nguy cơ ung thư do thực phẩm là nỗi lo lắng không thừa với nhiều người.
Ngoài 3-MCPD trong nước tương, người tiêu dùng còn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác như: carbendazim quét lên cuống sầu riêng chống thối hỏng; hay benzen trong một số sản phẩm nước ngọt, nước tăng lực là một hóa chất gây ung thư rất mạnh … Không chỉ thế, nhiều khi bản thân mỗi loại thực phẩm không gây ung thư, nhưng các chất bảo quản thực phẩm, các chất trung gian chuyển hóa trong quá trình nấu nướng, chế biến và các chất sinh ra từ nấm mốc là những nguyên nhân dẫn đến các bệnh ung thư.
Thực phẩm đun nấu ở nhiệt độ cao có thể sinh ra các sản phẩm nhiệt phân như chất benzopyren và benzanthraxen và đây là một trong những tác nhân gây ung thư rất mạnh. Những thực phẩm chứa nhiều chất béo và carbohydrat nướng trên bếp than thường sản sinh ra các chất trên. Bởi vậy, chúng ta không nên ăn những thức ăn rán to lửa bị cháy hoặc ăn những đồ nướng trên bếp than còn khói.
Quá trình nhiệt phân các thực phẩm giàu protein như thịt, cá có nguy cơ gây đột biến mạnh, có thể gây nên một số khối u trên thực nghiệm ở đại tràng, vú. Các nitrosamin gây ung thư được tìm thấy ở một số thực phẩm, đặc biệt các loại thực phẩm được bảo quản bằng natri nitrit như thịt ướp muối hoặc thịt xông khói… Các loại dưa, cà muối có hàm lượng nitrit tăng lên do quá trình vi sinh khử nitrat có trong rau thành nitrit cũng là tác nhân gây ung thư.
Một số hóa chất khác như dư lượng các loại thuốc trừ sâu và diệt cỏ, các loại thuốc dùng cho gia súc, các hóa chất dùng trong công nghệ chế biến thực phẩm, bao bì, chất bôi trơn và nhiều hóa chất khác có liên quan tới nguồn thực phẩm cũng có nguy cơ gây ung thư. Nấm mốc Aspergillus Flavus thường có trong gạo và lạc bảo quản không tốt, tiết ra chất độc có tên là Aflatoxin gây ung thư gan.
Chế độ ăn mặn, nhiều muối cũng là một trong những nguyên nhân ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa như ung thư dạ dày. Một số nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản đã chứng minh được mối liên quan giữa sử dụng nhiều muối hoặc các thức ăn ướp muối (cá) với ung thư dạ dày. Chế độ ăn giàu protein, đặc biệt protein động vật có nguy cơ cao dẫn đến một số ung thư như ung thư đại tràng, vú, tụy và thận. Một số nghiên cứu cũng đã chỉ rõ mối quan hệ giữa nguy cơ ung thư đại tràng với chế độ ăn nhiều các loại thịt màu đỏ (thịt bò, cừu…).
Chất béo động vật, đặc biệt là acid béo no có trong các loại thịt mỡ, bơ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Chế độ ăn giàu năng lượng, ăn nhiều thịt, nhiều mỡ, bơ sữa, trứng… cũng liên quan tới sự phát sinh ung thư tại nhiều bộ phận trong cơ thể. Trong đó, khi hoạt động thể lực đều đặn nhằm tiêu hao năng lượng sẽ làm giảm các nguy cơ đó.
Rượu gây bỏng mãn tính ở niêm mạc cổ họng và thực quản có thể gây ung thư, đặc biệt như hốc miệng, thanh quản và các cơ quan khác như đại tràng, vú, gan. Rượu tác dụng hợp lực với các nhân tố khác như thuốc lá làm tăng nguy cơ gây ung thư vòm miệng và thực quản, kết hợp với độc tố Aflatoxin thường có trong gạo hay lạc mốc hay virut viêm gan B sẽ gây ung thư gan.
Làm gì để tránh nguy cơ ung thư
Chế độ ăn hàng ngày sẽ là lựa chọn đầu tiên, tốt nhất cho mọi người để ngăn ngừa nguy cơ ung thư từ thực phẩm. Cần ăn nhiều rau quả tươi, giảm ăn thịt, giảm ăn các thức ăn xào, rán. Nên ăn cơm, bánh mì và các loại ngũ cốc khác được chế biến từ các loại hạt hoặc gạo xay xát không kỹ. Một số chất trong thực phẩm có tác dụng phòng chống ung thư: Các hợp chất alkyl có ở hành, tỏi có tác dụng ức chế sự hình thành các khối u, làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
Các hợp chất hữu cơ isothiocyanat có nhiều trong các loại rau họ cải bắp có tác dụng ức chế hoạt tính gây ung thư. Các Flavonoid là nhóm chất chống ôxy có nhiều trong quả chanh, táo, cam, bưởi, các loại đậu quả… và các loại rau màu xanh đậm có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ác tính.
Với bất cứ ai, việc phát hiện bị ung thư sẽ gây một cú sốc cực mạnh. Phản ứng với tin sét đánh này thường là nỗi thất vọng và chán chường. Tuy nhiên, theo các thầy thuốc, thay vì lo âu, phẫn uất, người bệnh có khá nhiều việc phải làm.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, bệnh nhân ung thư ngày nay sống lâu hơn trước. Nhất là khi phát hiện sớm và khối ung thư chưa lan tới các hạch hay di căn tới các cơ quan khác thì khả năng phục hồi rất lớn. 40% nguyên nhân gây ung thư là do các thói quen sinh hoạt như hút thuốc lá, uống rượu và chế độ ăn.
Đối với những bệnh nhân không thể chữa khỏi triệt để, một số tiến bộ lớn trong y học có thể giúp khống chế triệu chứng và biến chứng, đồng thời cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.
Đầu tiên, cần tìm hiểu một cách chi tiết về chẩn đoán, xem tên bệnh ung thư là gì, kích thước và vị trí, nơi khối u xuất hiện và mức độ di căn. Tìm hiểu xem bệnh phát triển nhanh hay chậm. Nếu không nắm được những thông tin này thì bạn không thể hiểu được chính xác vấn đề.