Giữa lòng thành phố Đà Nẵng có một khu rừng nguyên sinh, rộng đến 8 hécta, đã là sự thật khó tin. Nhưng quyết định "đô thị hoá" cánh rừng giàu truyền thống anh hùng này bằng những nhà máy công nghiệp lại càng khó tin hơn!
… “ngồi nhớ lại”
Giữa nắng gắt đầu hè, dưới bóng mát sân vườn hoa trái của ông Dương Xuyên, thôn Trung Sơn, xã Hoà Liên, quây quần bên bát nước chè xanh ngọt chát, chúng tôi đã say bởi những câu chuyện xưa – nay về vùng đất đầy tâm linh này. Ông Xuyên kể chuyện chiến tranh không hay như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua bài hát “Huyền thoại mẹ”. Nhưng những bà mẹ, những nóc hầm, những mốc thời gian, những “đứa con” của cách mạng đi qua vùng đất này là có thật, mê ly như ca từ của cố nhạc sĩ họ Trịnh.
“Cánh bắc Hoà Vang” đã từng là “điểm nóng”, “vành đai trắng”… là nơi khó “đụng” vào của quân đội Mỹ, ngụy trong kháng chiến chống Mỹ. Địa danh một thời vang bóng mà chỉ nhắc đến người dân Quảng Nam – Đà Nẵng, dân Khu Năm đều nhớ. Để có sức mạnh, có một tiếng vang mà quân địch phải khiếp sợ ấy và cũng là đòn bẩy để tiến công giải phóng Đà Nẵng, có phần công sức to lớn của vùng hậu phương Hoà Liên (xã được Nhà nước phong tặng Anh hùng).
Hồi ấy, dòng Cu Đê về đêm như phân định 2 vùng cách mạng và địch. Từng đêm, người dân Xóm Trại, Trung Sơn nghe ngóng tin, dò lịch tuần, càn của Mỹ để làm ám hiệu cho bộ đội vượt sông, về làng: Đèn chong là an toàn, đèn tắt là có Mỹ. Những đêm mưa phùn, gió bấc thổi ngược từ biển Nam Ô vào giá buốt, hay những ngày đông dầm dề, những mẹ già ở Xóm Trại, Trung Sơn vẫn thức khuya, chong đèn, “ngăn từng bước quân thù” để đón bộ đội về.
Lúc ấy, núi Trung Sơn là vùng hậu cứ vững chắc của bộ đội, du kích. (Hàng chục giao thông hào, hàng trăm nóc hầm bí mật hiện nay vẫn còn dấu tích). Người dân làng đã bám trụ, sống chết để giữ núi Trung Sơn. Không chỉ vì đã đào hàng trăm hầm bí mật, nuôi giấu cách mạng mà còn vì vùng đất tâm linh của tổ tiên.
Trong gia phả làng ghi rõ: Tổ tiên khai thiên lập địa, đặt tên làng từ năm 1670. Đã tròn 337 năm, dấu tích xưa còn lại là ngôi đình Trung Sơn cổ kính, miếu Âm Linh huyền bí và dinh Bà linh thiêng. Ông Xuyên kể, năm 1964 – 1965 cách mạng hoạt động rất mạnh, hoả tiễn đặt từ núi Trung Sơn liên tục đánh phá sân bay Đà Nẵng, nhiều cuộc họp bàn giữa bộ đội chiến khu và lực lượng nội thành diễn ra an toàn tại đây.
Chính vì thế mà Mỹ đã đưa hùng binh cùng xe tăng, xe ủi dự kiến san bằng quả núi này. Trong ý đồ đó, các núi Vân Dương, Thanh Vinh ở Hoà Sơn lần lượt thành đồn Mỹ, song khi đến Trung Sơn, người dân sắp lớp nằm dưới xích bánh xe để giữ đất, giữ rừng, giữ các hầm bí mật. Hơn 100 liệt sĩ, 16 bà mẹ VN anh hùng của riêng làng Trung Sơn đã minh chứng cho những câu chuyện ấy.
Hương ước không lỗi thời
Trưởng thôn Trung Sơn, cụ Nguyễn Văn Ngọc (75 tuổi) tự hào: Làng tôi có truyền thống lịch sử lâu đời. Thế đất, thế núi gọi là sơn thuỷ hữu tình. Bao đời bình yên, con cháu phát đạt. Trong chiến tranh, con làng làm tướng, trong thời bình thì thành đạt. Cố Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát – nguyên Tư lệnh trưởng Hải quân – Quân đội NDVN, kiêm Tư lệnh trưởng Quân khu Đông Bắc, Đại biểu Quốc hội khoá III, IV, V, VI là người con ưu tú của làng này. Làng cũng có hàng chục người mang quân hàm đại tá quân đội.
Giữa đồng bằng hạ lưu sông Cu Đê, lại nổi lên một quả núi rộng hơn 8 hécta. Đến nay, Trung Sơn vẫn là khu rừng nguyên sinh. Hiện có rất nhiều cây cổ thụ, cây gỗ to như dẻ, chìm bù, lò to, sơn… Không biết vì chủ ý hay ngẫu nhiên trùng lặp, năm 1965 có hàng loạt câu chuyện ma quái đã thêu dệt nơi đây khiến cho địch hoang mang khi đến. Đặc biệt sau sự kiện hàng chục lính Mỹ lăn đùng ra chết khi nằm ngủ trên bàn đạo tại miếu Âm Linh trong một lần đi xăm hầm, người Mỹ không còn có ý định san bằng núi Trung Sơn nữa.
Rồi những câu chuyện dòng họ này bị lụn bại, vong thân vì xúc phạm âm linh hay di dời mồ mả tổ tiên bất hợp lý, dòng họ kia trở nên giàu có, thành danh vì dời mồ mả cha mẹ về núi Trung Sơn… là câu chuyện nằm lòng trong mỗi gia đình ở Trung Sơn. Không dị đoan, mà đó là những câu chuyện tâm linh để người lớn tuổi răn dạy hậu sinh. Họ dạy con cháu rằng từng nẻo đường, gốc cây, con suối đều có người cai quản, vì thế không ai dám tự tiện xâm hại đến rừng, đến những mỹ tục làng này.
Một tục lệ gần như thành hương ước từ lâu đời của làng Trung Sơn là con cháu không được tự tiện vào rừng, bẫy chim, chặt cây, phá rừng. Cây lớn, được họ tộc đồng ý thì mới khai thác, tiền bán cây dùng để tôn tạo miếu, đình, cúng âm linh. Người nào vi phạm chặt cây, lấn đất… không chỉ bị phê bình, xấu mặt cả họ tộc mà còn bị phạt tiền.
Vì thế, đến bây giờ Trung Sơn vẫn là cánh rừng nguyên sinh, là lá phổi cho làng, là nguồn nước ngọt trong cho các giếng nước. Những tục lệ, những điều cấm kỵ mang tính kỷ cương của các họ tộc vẫn được con cháu hậu sinh tôn trọng, tuân thủ cho đến nay. Bởi vậy, giữa lòng thành phố Đà Nẵng mới tồn tại được khu rừng nguyên sinh hiếm hoi này.
Và nguy cơ mất làng
Thế nhưng, “cơn lốc” đô thị hoá ở Đà Nẵng đã “dòm ngó” đến cánh rừng rộng 8 hécta của làng Trung Sơn. Cụ Ngọc đưa ra xấp đơn có hàng chục chữ ký các vị tiền bối của các gia đình trong làng. Đơn đề gửi các cấp chính quyền từ xã, huyện lên đến trung ương, phản đối chủ trương phá rừng, làm khu công nghiệp của UBND thành phố Đà Nẵng.
Cụ Ngọc rành rành nhớ: “Tháng 8 năm 2006, Ban quản lý các khu công nghiệp, chế xuất Đà Nẵng đã tổ chức họp dân Trung Sơn, thông báo miệng rằng sẽ giải toả toàn bộ làng Trung Sơn, kể cả khu rừng nguyên sinh, các công trình văn hoá, di tích lâu đời để mở rộng KCN Hoà Khánh. Tiếp đến, họ (những cán bộ của Ban quản lý các KCN-KCX Đà Nẵng) đã đến từng nhà đo đạc, quay phim, chụp ảnh hiện trạng.
Dân làng hoang mang, lo lắng. Đến 28/12/2006 thì UBND TP.Đà Nẵng đã có quyết định chính thức, phê duyệt dự án mở rộng Khu công nghiệp Hoà Khánh, trong đó, cả làng và núi Trung Sơn sẽ bị giải toả, san bằng…
Ông Ngọc buồn bã: “Chúng tôi bao thế hệ đã lần lượt đổ máu để giữ đất, giữ đình làng, giữ núi Trung Sơn cũng chính là giữ gìn truyền thống, văn hoá lâu đời của mảnh đất này. Trước đây, nghe tin Bộ Văn hoá – Thông tin có chương trình khảo sát, đánh giá và xếp hạng di tích văn hoá, lịch sử cho làng, dân chúng chưa kịp mừng thì nay đã lo…”.
Ông Ngọc, ông Xuyên – những chiến sĩ du kích sống sót sau cuộc chiến, giờ là lão thành cách mạng, có con cháu đầy đàn, làm trong các cơ quan quân đội, hành chính, vì thế họ không “đối kháng” với chủ trương “đô thị hoá” rừng Trung Sơn, song trong lòng rất buồn. Ông Dương Xuyên cho biết: “Nếu nhất thiết phải lấy đất để phát triển kinh tế, đô thị hoá thì Nhà nước cứ giải toả nhà dân, nhưng xin hãy giữ lại đình làng, miếu mạo, hãy giữ lại núi Trung Sơn – lá phổi xanh và nguồn nước trong lành của dân chúng vùng này”.
Chiều tháng ba nhạt nhoà nắng, cánh đồng Hoà Liên vừa gặt xong hun khói rạ tơi bời. Lũ trẻ con làng Trung Sơn đuổi nhau, băng qua ruộng vắng, đặt bẫy cu đất. Chúng đâu biết nỗi lo của những người lớn tuổi, lo cho bức tranh làng quê yên bình thơ mộng giữa lòng Đà Nẵng này sắp bị xoá sổ nay mai. Con đường bêtông ngoằn ngoèo quanh núi Trung Sơn giờ đã kín nhà dân. Người ta xây nhà lưng tựa vào núi, mặt tiền nhà hướng ra ruộng đồng, ra sông với thế vững chãi bao đời.
Không ai hình dung được số phận núi Trung Sơn sẽ ra sao khi thành phố giải toả dân làng để dựng lên những nhà máy công nghiệp. Những đình làng, miếu mạo, những di tích cách mạng và cả nét văn hoá truyền thống lâu đời ở đây liệu có theo dân làng vào các chung cư tập trung?