Đứng tại bãi biển Bình Tiên xanh ngắt, vùng cực bắc của tỉnh Ninh Thuận, nơi dự án khu lịch nghỉ dưỡng gần 500 tỷ đồng đang được triển khai và cũng có thể là điểm mở đầu một con đường dự tính xuyên qua vùng lõi một VQG độc đáo.
Chỉ tay về phia xa xăm, lãnh đạo của VQG Núi Chúa độc đáo nhất Việt Nam cho hay, UBND Tỉnh Ninh Thuận, đang định mở một tuyến đường chạy dọc theo sườn núi nằm ngay dưới chân khu nghỉ dưỡng này và đi xuyên qua Núi Chúa. Tuy nhiên, vị đại diện của VQG tỏ ra lo lắng, việc làm tuyến đường này sẽ gây ra nhiều tác động tới hệ sinh thái của VQG này.
23 km đường xẻo 40ha đất vùng lõi
Năm 2005, một dự án xây dựng một tuyến đường chạy dọc theo sườn núi nối Vĩnh Hy-Bình Tiên, hai địa điểm có cảnh quan thiên nhiên khá đẹp với những đụn cát khô nóng, bờ biển thoai thoải, những rạn san hô đủ màu sắc và bãi rùa đẻ trên đất liền duy nhất ở Việt Nam …, được manh nha.
Theo dự án, tuyến đường sẽ lấy từ độ cao 20m trở xuống và dự kiến đường Vĩnh Hy – Bình Tiên sẽ dài khoảng 23km.
Được biết, đầu tiên, dự án được triển khai phục vụ mục đích quốc phòng. Cha đẻ của dự án là Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh Ninh Thuân. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, sau khi dự án này trình lên Bộ Quốc Phòng thì bị Bộ Quốc phòng trả lại. Sau khi bị trả lại, UBND Tỉnh Ninh Thuận giao cho Sở Thương mại Du lịch thực hiện.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn của việc dự án thay cha đổi mẹ chính là tuyến đường sẽ lấy mất của Núi Chúa, VQG nằm phía Đông Bắc tỉnh Ninh Thuận, cách TP Phan Rang – Tháp Chàm 20km, 40ha đất. Và 40 ha đất ấy lại nằm trong vùng lõi cần được bảo vệ của Vườn.
KS Nguyễn Hữu Hoán, Giám đốc VQG Núi Chúa, cho biết, tuyến đường Vĩnh Hy – Bình Tiên chiều rộng chỉ khoảng 5m. Tuy nhiên, do địa hình dốc và phức tạp, để làm được 5m đường, cần mở rộng không dưới 12m đất.
Vẫn theo KS Hoán, sáng 16/5 vừa qua, ông được mời lên dự một cuộc họp để bàn về việc xác định lại diện tích cắt xén và lập phiếu mô tả tài nguyên tại Núi Chúa phục vụ cho việc làm đường.
Để làm gì
Dự án được manh nha cách đây hai năm, hơn thế, người đứng đầu của VQG cũng được mời lên để xác định vùng đất mà VQG bị xẻo trong tương lai. Nhưng ông Hoán dường như còn rất mơ hồ về mục đích sử dụng của tuyến đường này.
Ông Hoán phỏng đoán con đường này có thể phục vụ du lịch. Nhưng mục đích đó không thích hợp bởi lẽ, với địa hình dốc và phức tạp, khi mùa mưa tới, mưa sẽ cuốn cát từ trên cao đổ thẳng xuống biển làm chết các rạn san hô.
“San hô chết trôi dạt vào bờ cát. Chẳng ai còn dám xuống biển tắm”, KS Hoán phân tích, “Tôi từng dẫn các anh lãnh đạo xuống Bãi Thùng xem. Nơi đó bãi biển rất đẹp nhưng không có người đến tắm. Các mảnh san hô chết nằm vương vãi khắp nơi. Xem xong không ai có ý kiến gì”.
Chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Nam Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Bình Tiên, đơn vị sẽ triển khai dự án xây dựng khu du lịch sinh thái tại Bình Tiên, gần như ở đầu mút con đường nếu nó được thi công.
Đặt giả thiết con đường này được mở với mục đích phát triển kinh tế, ông chủ dự án du lịch Bình Tiên có tổng số vốn đầu tư 500 tỷ đồng cho rằng, Đường Vĩnh Hy – Cát Tiên không có giá trị kinh tế.
“Tuyến đường này không đi qua khu vực dân cư nên khó có thể phục vụ trực tiếp lợi ích kinh tế cho cư dân địa phương”, ông Linh nói.
Ông Linh cũng cho rằng, con đường dù được xây với mục đích gì cũng sẽ tạo ra nhiều tác động và làm suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên độc đáo và đa dạng của VQG Núi Chúa.
Theo KS Hoán, con đường mở ra, xe cộ đi lại rầm rập, tình trạng buôn bán động thực vật hoang dã và khai thác gỗ trái phép diễn ra trầm trọng hơn khiến cho nguồn tài nguyên cạn kiệt dần. Việc xây dựng như đào đất khoan đá cũng sẽ gây ra sự thay đổi lớn cho sinh cảnh tự nhiên và hệ sinh thái, …
Ngoài ra, việc mở đường làm tăng lưu lượng phương tiện giao thông qua lại sẽ tăng nguy cơ xuất hiện các sinh vật ngoại lai. Hơn thế, sự xuất hiện thường xuyên của con người trong vùng lõi sẽ làm rối loạn hành vi của động vật,…
VQG Núi Chúa là khu rừng khô hạn tự nhiên nằm trong vùng khô hạn nhất của tỉnh Ninh Thuận. Núi Chúa có hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng hiếm thấy ở nước ta với nhiều tập đoàn sinh vật quần tụ phong phú và đa dạng về số lượng cũng như chủng loài. Theo kết quả khảo sát năm 2001-2002, các nhà khoa học phát hiện có 1.265 loài thực vật, 306 loài động vật, đặc biệt có rất nhiều loài động thực vật quý hiếm. Vĩnh Hy là địa phận thuộc xã Vĩnh Hải, Ninh Hải. Bãi biển Vĩnh Hy nổi tiếng với những rạn san hô và bãi rùa đẻ duy nhất trên đất liền ở Việt Nam. Bình Tiên thuộc địa phận xã Công Hải, huyện Thuận Bắc. Bãi biển Bình Tiên được đánh giá là bãi biển sạch, đẹp nhất của Ninh Thuận. |
KS Phạm Văn Xiêm, Trưởng phòng Giáo dục Môi trường&Phát triển Du lịch, VQG Núi Chúa, cho biết, anh chưa có cơ hội tiếp xúc với dự án nên không rõ tuyến đường sẽ xây dựng như thế nào nên không thể đánh giá một cách chính xác tác động của công trình.
Tuy nhiên, để làm đường thì lấy đất, chặt cây. Diện tích rừng sẽ bị thu hẹp lại, cây cối bị thu hẹp lại, cảnh quan bị thu hẹp lại, … “Đấy là chưa kể đến việc phá đá khi làm đường. Nếu dùng mìn nổ để phá đá, hậu quả sẽ rất lớn”, KS Xiêm nói.
Nói không với đường
“Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là rất lớn. Đứng về mặt bảo tồn, tôi không đồng ý”, KS Hoán quả quyết. “Tuy nhiên, về mặt quản lý hành chính, tôi vẫn phải chấp hành theo chỉ thị của lãnh đạo”.
Ông Nam Linh cho biết, Công ty Bình Tiên chưa bao giờ được UBND Tỉnh Ninh Thuận hay chủ dự án, Sở Thương Mại Du lịch Ninh Thuận, thông tin chính thức. Tuy nhiên, nếu được hỏi ý kiến, Công ty Bình Tiên sẽ đi tiên phong trong việc phản đối xây dựng con đường.
“Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo tồn thiên nhiên. Xét về góc độ bảo tồn, con đường này gây ra những tác động xấu cho hệ sinh thái cũng như đa dạng tài nguyên của Núi Chúa”, ông Ninh quả quyết, “Chúng tôi sẽ bày tỏ chính kiến của mình nếu như được hỏi ý kiến”.