Rác, hóa chất, môi trường suy thoái … đang là những vấn đề bức xúc trong môi trường tự nhiên. Hiện nay cả nước ta có đến hơn 13 triệu héc-ta đất suy thoái, đất trống, đồi núi trọc.
Với đặc điểm khí hậu, độ ẩm cao, mưa nhiều, bão lớn nên các quá trình suy thoái diễn ra nhanh chóng, nhất là vùng đất dốc không có rừng che phủ. Các chất dinh dưỡng bị rữa trôi khiến hàm lượng khoáng vi lượng trong đất rất ít, độ pH giảm mạnh, lớp mặn bị kết vón, đá ong hóa, dẫn tới mất khả năng canh tác.
Vùng đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, hàng trăm nghìn héc-ta đất màu mỡ đã bị nhiễm mặn và nhiễm phèn. Ở miền Trung, gió đẩy các cồn cát ven biển vào đất liền gây suy thoái đất trầm trọng.
Ðất còn bị suy thoái hoặc ô nhiễm do khai thác nông nghiệp ồ ạt, không bù đắp đủ số chất khoáng lấy đi qua nông sản. Việc dùng phân hóa học để bón ruộng hay việc dùng các chất độc hại dẫn tới ô nhiễm đất. Ngoài việc mất đất canh tác, hay giảm độ phì nhiêu của đất, thì việc sử dụng không hợp lý đất và nước trên các lưu vực sẽ gây hiện tượng bồi lấp dòng sông, lòng hồ, cửa biển.
Trong mấy chục năm qua, rừng và đa dạng sinh học của nước ta bị giảm sút nghiêm trọng về số lượng cũng như chất lượng. Từ hơn 14 triệu héc-ta (44% diện tích) năm 1945, hiện nay chỉ còn khoảng 20 đến 28% diện tích đất còn rừng, rất thấp so với mức an toàn sinh thái (bằng hay hơn 1/3 tổng diện tích).
Trong đó rừng giàu, tốt chỉ chiếm dưới 10%, rừng trung bình 23%, còn lại là rừng nghèo và mới phục hồi. Rừng bị mất kéo theo sự giảm đa dạng sinh học vốn rất phong phú và đa dạng. Nhiều loài đã và đang bị tuyệt chủng. Trong hơn 50 năm qua, có ít nhất là 200 loài chim và 120 loài thú bị diệt vong.
Môi trường sống của chúng ta cũng đang ở mức báo động bởi mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Hiện nay, cả nước có 137 khu công nghiệp và khoảng 130 cụm công nghiệp do các địa phương xây dựng, khoảng 800 nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu này.
Nguồn phát sinh chất thải nguy hại lớn nhất là các cơ sở công nghiệp với 130 nghìn tấn/năm, trong khi đó chỉ khoảng 10% cơ sở có trạm xử lý nước, khí thải, nhưng hầu hết vận hành chưa đạt tiêu chuẩn hoặc nằm đắp chiếu.
Các khu đô thị tuy chỉ chiếm 28% số dân cả nước nhưng lại phát sinh khoảng 50% lượng chất thải rắn sinh hoạt, khoảng bảy triệu tấn mỗi năm, nhưng chưa được xử lý kịp thời. Ðiều đó cho thấy, ô nhiễm đang “gặm nhấm” môi trường sống của chúng ta!
Một vấn đề đáng chú ý, cả nước có khoảng 12.600 bệnh viện lớn nhỏ đang hoạt động, với tổng số 173 nghìn giường bệnh, trong đó có 815 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh. Các bệnh viện này thải ra khoảng 21 nghìn tấn/năm.
Việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu không hợp lý, thậm chí tùy tiện làm cho sức khỏe của con người bị ảnh hưởng. Nồng độ ô nhiễm trong đất khiến cho rau màu, hoa quả bị nhiễm độc tố với mức độ ngày càng nguy hiểm.
Chỉ thống kê riêng các loại chất thải nông nghiệp đã thấy, mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng lớn. Nếu vào cuối những năm 1960, chỉ có khoảng 0,48% diện tích đất canh tác sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì nay là 100%, với trên 1.000 loại thuốc. Lượng chất thải nông nghiệp lên tới 8.600 tấn /năm. Ðây là lý do tại sao hiện nay tại rất nhiều cánh đồng được “phủ” một lớp trắng xóa toàn nylon, túi, lọ,…
Các làng nghề tập trung tại vùng nông thôn cũng là những “tác nhân” chủ yếu gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.
Phần lớn các hộ, cơ sở sản xuất ở làng nghề sử dụng nơi ở để sản xuất. Khi quy mô sản xuất tăng lên đã tỷ lệ thuận với thiết bị, hóa chất trong sản xuất được sử dụng nhiều hơn, làm cho môi trường sống bị ô nhiễm.
Chế biến nông sản, thực phẩm có nhu cầu lớn về nước nhưng cũng thải ra một lượng nước không nhỏ, với đặc tính chung là giàu chất hữu cơ, dễ phân hủy sinh học. Nước thải được xả thẳng ra ngoài mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào, chúng tồn đọng ở cống rãnh, gây ô nhiễm không khí và ngấm xuống lòng đất gây ô nhiễm môi trường đất, suy giảm chất lượng nước ngầm.
Thí dụ nước thải của quá trình sản xuất tinh bột từ sắn có hàm lượng ô nhiễm rất cao (COD – nhu cầu ôxy hóa học 13.300 đến 20.000mg/lít; BOD – nhu cầu ôxy sinh – hóa học 5.500 đến 125.000mg/lít). Tại làng nghề sản xuất nước mắm Hải Thanh (Thanh Hóa), mức độ ô nhiễm COD lên tới 186mg/lít, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 25mg/lít.
Cánh cửa WTO mở ra tạo cơ hội phát triển kinh tế – xã hội. Nhưng đi liền theo đó, sự phát triển nhanh và nóng cũng đặt ra những thách thức trong việc bảo vệ môi trường.
Cùng với sự tăng nhanh dân số, các mô hình tiêu thụ của người dân cũng thay đổi, mạng lưới giao thông xâm nhập tới các vùng xa xôi hẻo lánh nhất, làm cho những vùng này trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các thị trường bên ngoài.
Những thay đổi to lớn này sẽ dẫn tới việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên tới mức độ nguy hiểm tại nhiều vùng trên cả nước ảnh hưởng sâu sắc tới đa dạng sinh học. Hầu hết các thực phẩm có giá trị kinh tế, trong đó có nhiều loài được dùng làm thức ăn, chất đốt, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng hay làm đồ thủ công mỹ nghệ đều bị khai thác triệt để nhằm phục vụ tại chỗ hoặc buôn bán.
Chẳng hạn như việc khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ; đánh bắt thủy hải sản theo kiểu hủy diệt; săn bắn và buôn bán trái phép động vật hoang dã là những thí dụ rất cụ thể.
Nhu cầu phát triển kinh tế cũng sẽ kéo theo việc sử dụng tài nguyên nước ngày càng lớn, trong khi nước ta được đánh giá là một nước dưới mức trung bình về nước tính theo đầu người so với thế giới.
Nước ta lại đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước quốc tế, tới 65% trong khi các quốc gia thượng nguồn cũng đang có nhiều nhu cầu về sử dụng nước.
Trong khi đó, việc gia tăng khối lượng và phạm vi khai thác nước dưới đất sẽ dẫn tới giảm nhanh chóng mực nước dưới đất, không những làm cạn kiệt nguồn nước mà còn làm hoang mạc hóa ở những vùng có lượng mưa thấp và dẫn tới những biến dạng về địa hình mà điển hình là nạn sụt lún đất.
Có thể nhìn thấy nhiều nước đang có chủ trương đóng cửa mỏ và nâng giá mua khoáng sản từ các nước khác, trong khi nhu cầu vốn cho công nghiệp hóa của nước ta đang rất lớn mà một phần trong số đó được trông đợi từ tài nguyên khoáng sản. Tình hình đó sẽ tạo áp lực cho việc khai thác khoáng sản không hợp lý, thiếu bền vững.
Ðể hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường cần nâng cao ý thức người dân và cộng đồng. Vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề phải do chính người dân ở đó tham gia giải quyết. Tuy nhiên, Nhà nước phải đưa ra các quy hoạch mang tính tổng thể.
Có thể hình thành các cụm công nghiệp làng nghề phù hợp với trình độ, đặc thù cũng như điều kiện kinh tế của từng vùng, tập hợp các hộ vào sản xuất lâu dài và ổn định.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cho rằng cần phải hoàn thiện pháp luật về môi trường, quản lý chất thải; xây dựng các quy định về kiểm soát ô nhiễm; phát triển công nghệ môi trường. Việc xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường là cách có thể tiếp cận với những chuẩn môi trường cao cũng như thu hút được nhiều nguồn vốn cho công tác này.
Việc chọn đối tác đầu tư nước ngoài cũng là một yếu tố quan trọng góp phần duy trì bền vững môi trường. Thực tế cho thấy, những đối tác đến từ các nước đang phát triển, nơi có quy định chặt chẽ về công tác môi trường thường áp dụng các biện pháp quản lý môi trường tốt hơn.