ThienNhien.Net – Cuối cùng, vấn đề bảo tồn và phát triển đàn voi nhà ở Đắk Lắk cũng đã được đưa ra bàn luận chính thức trong một cuộc hội thảo ngày 20/04, do Sở Thương mại – Du lịch Daklak và Trung tâm Sinh thái – Môi trường và Tài nguyên (CEER) tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột.
“30 năm nữa, sẽ không còn voi nhà ở Daklak!”. Đó là lời cảnh báo của GS.TS. Lê Huy Bá (thuộc CEER) khi trình bày tóm tắt đề tài nghiên cứu “Bảo tồn và phát triển đàn voi nhà tỉnh Đắk Lắk”. Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Nhã, Trưởng phòng Kinh tế huyện Krông Ana: “Với đà suy giảm số lượng như hiện nay, e rằng chỉ khoảng 10 năm nữa, đàn voi nhà ở Đắk Lắk sẽ tuyệt diệt”.
Viễn cảnh không bao lâu nữa loài voi nhà sẽ không còn đã được nhiều đại biểu dự hội thảo thừa nhận. Vì sao? Tất cả là do môi trường sống của voi nhà ngày càng kém xa môi trường tự nhiên vì rừng bị thu hẹp, thức ăn khan hiếm… Nhưng điều quan trọng hơn là do sự tắc trách và thiếu hiểu biết của con người đã khiến đàn voi nhà lâm vào cảnh nguy khốn. Ông Nhã kể, cách đây hai năm, ở buôn Krông, xã Du Kmăl (Krông Ana), một chú voi đi kéo gỗ thuê đã bị chủ xích ngoài rừng ba ngày ba đêm để đi… nhậu, đến khi ra thăm thì nó đã chết đói từ lúc nào (!) Tình trạng voi bị khai thác quá sức như kéo gỗ lậu, chở khách du lịch nhưng không được cho ăn đầy đủ, suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng đang diễn ra phổ biến ở Đắk Lắk. Nếu như năm 1985, thống kê đàn voi nhà có 502 con thì năm 1997 chỉ còn 115 con, đến năm 2000 còn 84 con và vào thời điểm cuối năm 2006 cả tỉnh chỉ còn 64 con voi. Nhiều thông tin cho thấy, voi nhà ở Đắk Lắk bán ra ngoài tỉnh để khai thác du lịch còn chết nhanh hơn nữa do xa rời sinh cảnh quen thuộc, không hợp khí hậu, thức ăn, nguồn nước…
Đề tài nghiên cứu Bảo tồn và phát triển voi nhà ở Đắk Lắk do CEER xây dựng đã đề cập đến việc quy hoạch các khu bảo tồn riêng biệt cho voi nhà, cụ thể là Vườn Quốc gia Yok Đôn và khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến tranh luận về đề xuất này. Tại hội thảo nói trên, một số đại biểu đồng ý rằng, việc xây dựng khu bảo tồn sẽ giúp giữ gìn môi trường sống cho voi nhà, nhất là giúp voi có thể sinh sản, tạo điều kiện theo dõi, chăm sóc đàn voi… Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nuôi voi nhà trong khu bảo tồn là khó thực hiện. Theo ông Vũ Minh Trưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, khu bảo tồn có lẽ thích hợp với việc “bảo tồn” voi rừng hơn là voi nhà, bởi lẽ voi nhà không còn tập tính sống chung theo bầy đàn, mỗi con voi nhà có mỗi chủ riêng và chỉ nghe lời chủ của mình. Không lẽ tập hợp voi nhà lại nuôi dưỡng trong khu bảo tồn thì phải “tập hợp” cả các chủ voi lại ?
Đa số đại biểu dự hội thảo tán thành với những đề xuất về xây dựng một trung tâm bảo tồn và phát triển voi nhà, thành lập hội những người nuôi voi, tổ chức gắn chíp điện tử cho voi, nghiên cứu thụ tinh nhân tạo cho voi nhà sinh sản… Nhiều ý kiến cũng cho rằng, những đề xuất này nên lập thành các dự án riêng, có tính khả thi cao hơn mới có thể triển khai thực hiện được. Nhưng điều băn khoăn nhất trong hội thảo là việc hỗ trợ về kinh tế cho người nuôi voi như thế nào để họ yên tâm nuôi dưỡng, duy trì đàn voi nhà. CEER đưa ra mô hình đóng bảo hiểm đối với những con voi tham gia hoạt động du lịch, có thu nhập, qua đó mang lại lợi nhuận cho chủ voi. Nhưng trong số voi ở Đắk Lắk, chỉ có khoảng 20 con voi được “làm du lịch”, số voi còn lại sẽ được hỗ trợ bằng cách nào thì chưa có lời giải thỏa đáng. GS.TS. Lê Huy Bá cho rằng, Nhà nước nếu có hỗ trợ tài chính cho người nuôi voi thì cũng không thể chu cấp mãi được. Phải “lấy voi nuôi voi”, nghĩa là voi phải được khai thác hợp lý trong các hoạt động du lịch và lễ hội văn hóa truyền thống để có thêm nguồn thu giúp nuôi dưỡng voi nhà tốt hơn.
Dù hội thảo chưa giải quyết được rốt ráo vấn đề bảo tồn đàn voi nhà, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, từ đề tài nghiên cứu của CEER, cần có một đề án chính thức do UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt, xác định cụ thể lộ trình thực hiện các giải pháp và xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư cho các hoạt động bảo tồn đàn voi trước khi quá muộn.