ThienNhien.Net – Ngày 5/6 hàng năm cả thế giới tổ chức ngày môi trường thế giới. Mỗi năm lại có một chủ đề mới nóng bỏng mà cả thế giới quan tâm và sẽ dành nhiều thời gian để hành động vì nội dung đó. Năm nay, 2007, chủ đề của ngày môi trường là “ Băng tan_một vấn đề nóng bỏng”.
Như chúng ta đã biết, Trái Đất thực ra phải gọi là “Trái Nước” với ¾ diện tích là mặt nước, chỉ một phần nhỏ còn lại là đất – nơi con người sinh sống và hoạt động. Nước tồn tại ở khắp nơi: trong đại dương, dạng khí (hơi nước) trong không khí, nước ngầm ở trong lòng đất. Và, không thể không kể đến một dạng khác của nước: đó là băng.
Nước ở dạng băng không phải ở đâu cũng có. Chỉ những nơi có nhiệt độ thấp (hai cực) hoặc các đỉnh núi cao mới có nước tồn tại ở dạng băng (tất nhiên không kể đến tủ lạnh hay các thiết bị làm lạnh, mà là trong tự nhiên). Nước ở dạng băng chiếm một tỉ lệ lớn lượng nước trên Trái Đất, và như vậy đã làm giảm diện tích nước ở dạng lỏng đi rất nhiều.
Nước ở dạng băng có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của các sinh vật sống trên Trái Đất, trong đó có loài người.
Một cách đơn giản nhất, khi trời đang nóng, bạn có trong tay cốc nước đá, bạn sẽ thấy mát lạnh tay nơi tiếp xúc với cốc, hay với một lượng đá lớn hơn, bạn sẽ cảm thấy rất mát. Băng nói riêng (nước nói chung) có tác dụng giảm nhiệt độ do Mặt trời tác dụng lên Trái Đất như một cái máy điều hoà nhiệt độ vậy. Nói như vậy, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: băng tan ra, giúp Trái Đất đang nóng lên, sẽ mát đi? Đúng là như vậy. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, băng đang tan với một tốc độ chóng mặt, gây ra những tác động không tốt cho đời sống của các sinh vật trên Trái Đất. Băng tan mạnh trong vài thập kỉ trở lại đây đang làm cho mực nước biển dâng cao. Với mức dâng như vậy, nhiều vùng đất thấp sẽ bị nước biển che phủ lên. Thực tế cho thấy, Chính phủ Hà Lan những năm trước đây đã phải cho xây một bức tường bê tông để ngăn cản.
Các nhà khoa học đã tính rằng, nếu mực nước biển dâng lên 10cm, một diện tích không nhỏ đất liền bị mất. Như vậy, diện tích đất cho sự sống đã hẹp lại càng bị thu nhỏ lại. Trong số những vùng đất bị thu hẹp lại, điều nguy hiểm là có nhiều vùng trồng cây lương thực cho năng suất cao.
Xét về mặt vật lí, băng có màu trắng, như vậy, nó phản xạ lại bức xạ Mặt trời. Tuy nhiên, khi băng tan mạnh thì màu sáng của nó giảm đi, theo đó chức năng phản xạ bức xạ Mặt Trời giảm. Thậm chí băng ở hai cực đang có hiện tượng hấp thụ mạnh bức xạ từ Mặt Trời và làm cho tốc độ tan băng càng nhanh hơn.
Băng tan – đó là một trong các biểu hiện của hiệu ứng nhà kính. Đây là một vấn đề không mới. Những vấn đề nó gây ra lại là những điều cần phải bàn tới. Biểu hiện rõ nét nhất của điều này là Trái Đất đang ấm dần lên. Mỗi năm nhiệt độ trên Trái Đất như tăng lên một cách rõ rệt. Mùa Hè năm sau nóng hơn mùa Hè năm trước; mùa Đông đến muộn và ít lạnh hơn. Thời tiết ngày càng thất thường hơn. Thiên tai ngày càng xuất hiện với tần suất nhiều, mức độ phá huỷ lớn, khó dự đoán (như một vài cơn bão xuất hiện gần đây ở Thái Bình Dương). Năm nay, tại Việt Nam, mới chỉ tháng năm, nhưng nhiệt độ nhiều ngày đã lên đến 38 – 390 C; xuất hiện một số đợt áp cao đột ngột. Nhiệt độ giảm 2-30 C chỉ trong 1 ngày, gây ra mưa to, giông và có nơi kèm theo mưa đá. Nhiều nơi xuất hiện lốc xoáy bất thường do sự chêng lệch nhiệt độ quá lớn của các khối không khí gây thiệt hại lớn về người và của do không thể dự báo trước và chính xác việc xảy ra.
Băng tan, đó thật ra là một qui luật của Trái Đất có từ khi nó mới được hình thành. Tuy nhiên, việc tan băng như hiện nay, có nguyên nhân chủ yếu do con người. Kể từ sau cách mạng công nghiệp, con người đẩy mạnh các hoạt động sản xuất công nghiệp của mình, khai thác và sử dụng nhiều năng lượng hoá thạch hơn… Những khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính (GreenHouseEffect) được thải vào không khí, ta gọi đó là những khí nhà kính (GreenHouseGas). Những khí này cho phép nhiều hơn bức xạ Mặt Trời (bước sóng ngắn) đi xuống mặt đất, và ngăn cản hầu hết bức xạ của mặt đất (bước sóng dài) đi ra ngoài vũ trụ. Như vậy, chúng đã làm cho nhiệt không thoát ra khỏi Trái Đất. Trái Đất chúng ta dần nóng lên, như chùm một cái chăn giữa mùa hè. Một điều thật nguy hiểm là những loại khí nhà kính này (CH4, CO2, …) lại có thời gian tồn tại khá lâu trong không khí. Người ta đã tính toán rằng, nếu chúng ta ngừng tạo ra khí nhà kính ngay lập tức (không thể xảy ra), thì cũng phải 100 năm nữa thì lượng khí này mới được phân huỷ hết.
CO2 là khí nhà kính quan trọng nhất và có tỉ lệ thải ra cao nhất trong số các khí nhà kính mà con người đã và đang tạo ra. Khí này lại được cây xanh quang hợp cho sinh khối và nước hấp thụ. Tuy nhiên hai bộ máy lọc không khí này lại đang có những vấn đề riêng. Diện tích rừng của chúng ta đang bị thu hẹp lại mặc dù đang có những nỗ lực chung của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích mặt nước sạch để có thể hấp thụ CO2 cũng không còn lớn như trước đây do đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải và đặc biệt là các sự cố về dầu.
Như vậy, băng tan chỉ là một biểu hiện, nhưng nó lại đại diện cho những vấn đề về khí hậu nóng bỏng của toàn cầu. Đó là những vấn đề về khí thải gây hiệu ứng nhà kính; là những vấn đề về ô nhiễm không khí và nước; là việc giảm diện tích rừng… Tất cả những vấn đề đó đang tạo ra một tác động tổng hợp, đó là hiện tượng tan băng, thay đổi khí hậu và thời tiết. Đây chính là một vấn đề cực kì nóng bỏng không chỉ của năm nay, mà sẽ là của những năm tới đây của loài người trong nỗ lực phát triển bền vững, bảo vệ sự sống trên Trái Đất. Ngay từ bây giờ, mỗi chúng ta phải hành động vì một thế giới ngày mai “không nóng”.