"Giải Nobel" cho học sinh* tại Việt Nam – “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”

ThienNhien.Net – Hôm nay, ngày 3/6/2007, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (19 Ngọc Hà, Hà Nội), Ban tổ chức cuộc thi quốc gia “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước dành cho học sinh trung học phổ thông và trung học nghề”, lần thứ tư (2006 – 2007) tổ chức Lễ trao giải cho các em học sinh đoạt giải. Cũng tại đây, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác cùng phát triển giữa Báo Khoa học & Đời sống và Trung tâm Con người & Thiên nhiên (PanNature). Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6/2007.

Cuộc thi năm nay nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các em học sinh trên nhiều vùng miền đất nước. Ban tổ chức đã nhận được 1.221 bài dự thi của các em học sinh từ 22 tỉnh, thành phân bố đều khắp các vùng miền trong cả nước, từ thủ đô Hà Nội đến miền núi xa xôi. So với ba cuộc thi trước, các bài dự thi năm nay đánh dấu sự tiến bộ về chất lượng, đặc biệt ở những bài có sự phối hợp nhóm tốt hơn và đồng đều hơn mọi năm.

Nhóm tác giả đạt giải Nhất: Phạm Phước Duy, Võ Phi Hoàn, Trần Trung Hoành đến từ lớp 10A2 – trường THPT An Lạc Thôn – Sóc Trăng, cùng thầy giáo hướng dẫn Nguyễn Ngọc Hải. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Cuộc thi này là một phần của Giải thưởng Stockholm về nguồn nước thế giới, do Quỹ Stockholm thành lập. “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước dành cho học sinh trung học phổ thông và trung học nghề”, được ví như một giải Nobel dành cho học sinh, tại Việt Nam. Không giống với những cuộc thi về kiến thức trong nhà trường hay các cuộc thi olimpic về toán, lý, hoá…; đến với cuộc thi này, các thí sinh phải thực hiện được một công trình khoa học mini, đề xuất ý tưởng mới, gắn với điều kiện môi trường xung quanh và phải tiến hành thực nghiệm, áp dụng vào thực tế, có tác dụng đối với cộng đồng. Để làm được điều đó, các em phải vận dụng nhiều lĩnh vực học tập, kiến thức xã hội, kỹ thuật, công nghệ….Tham gia cuộc thi này, dù không có giải, các em học sinh cũng học được cách thức tự học, tự tìm hiểu và làm quen với nghiên cứu khoa học.

Phan Phước Duy – Lớp 10A2 – Trường THPT An Lạc Thôn – Sóc Trăng. Cùng với Võ Phi Hoàn, Trần Trung Hoành, là đồng tác giả của giải Nhất cuộc thi năm nay. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Giải Nhất của cuộc thi năm nay, đã được trao cho nhóm ba học sinh (Phan Phước Duy, Võ Phi Hoàn, Trần Trung Hoành) đến từ lớp 10A2 – Ban Khoa học tự nhiên, trường THPT An Lạc Thôn, tỉnh Sóc Trăng; với đề tài “Gòn” bông băng cho nước nhiễm dầu”. Từ thực tế quan sát những bông gòn có khả năng hút dầu tại các điểm bán xăng dầu trên kênh rạch Nam Bộ, ba em Duy, Hoàn, Hoành – dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải (GV trường THPT An Lạc Thôn), đã xây dựng lên mô hình thu gom dầu trên sông nước. Đề tài này thực sự có ý nghĩa, trong tình hình nước ta đang phải đối phó với nạn tràn dầu gay gắt. Ban giám khảo đánh giá cao ý tưởng này, hi vọng “công trình khoa học nhỏ” nói trên sẽ mang lại vinh quang cho Việt Nam tại Stockholm, tháng tám tới.

Một số thông tin về ba cuộc thi trước tổ chức tại Việt Nam

– Cuộc thi lần một (2001 – 2002): có 183 bài dự thi của 356 thí sinh từ 25 tỉnh thành. Em Triệu Tiến Chuẩn, học sinh lớp 11TN3, THPT Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Tây đã đạt giải nhất với việc đề xuất xuất giải pháp sử dụng cây ngổ dại để làm sạch ao làng, phục vụ chăn nuôi tại La Dương, La Nội.

– Cuộc thi lần hai (2003 – 2004), có 1.993 bài tham gia. Đề tài “Sử dụng hỗn hợp đất sét và xơ giấy để khắc phục nạn ô nhiễm nguồn nước hồ Bảy Mẫu, công viên Thống Nhất, Hà Nội” của em Nguyễn Thị Thu Trang – học sinh lớp 10 Sinh – THPT Amsterdam, Hà Nội đã đạt giải Nhất. Đề tài này được em hoàn thiện, và đã đạt giải Nhất tại cuộc thi học sinh nghiên cứu khoa học tại Đài Loan.

– Cuộc thi lần thứ ba (2005 – 2006), chất lượng các đề tài đã lên một tầm cao mới, với 855 bài dự thi. Nhóm tác giả Nguyễn Tuyết Trinh, Nguyễn Đăng Thịnh, Nguyễn Đăng Phúc Long – lớp 12 chuyên Sinh, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội đã đạt giải Nhất với đề tài “cải tiến bể lọc truyền thống bằng cách sử dụng cây thuỷ trúc kết hợp với flocculant ở quy mô hộ gia đình”.

Cũng tại buổi lễ trao giải này, Báo Khoa học & Đời sống và Trung tâm Con người & Thiên nhiên đã tổ chức lễ kí kết hợp tác cùng phát triển. Sự hợp tác này được thực hiện với mong muốn giúp Báo Khoa học & Đời sống cũng như Trung tâm Con người & Thiên nhiên đẩy mạnh công tác truyền thông môi trường, nâng cao nhận thức của đông đảo độc giả nói chung về các vấn đề trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Chương trình hợp tác sẽ kéo dài trong 2 năm, tập trung (nhưng không giới hạn) vào một số nội dung như: thực hiện các chương trình điền dã và viết phóng sự theo chuyên đề, chia sẻ thông tin, tư liệu và phối hợp thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề môi trường, bảo tồn thiên nhiên.


ThienNhien.Net đã có cuộc trao đổi ngắn với em Phan Phước Duy – một trong ba đồng tác giả giải Nhất cuộc thi năm nay.

Từ đâu mà ba em có ý tưởng về cách thu gom dầu bằng bông gòn?

Chúng em ở Sóc Trăng, mùa mưa thường phải đi đò. Xung quanh những điểm bán xăng dầu trên sông, thường có nhiều váng dầu nổi trên mặt nước. Tình cờ, một lần ghé vào mua xăng, chúng em quan sát thấy khi những bông gòn rơi vào váng dầu trên sông, có khả năng hút. Từ quan sát này, chúng em đã đem suy nghĩ của mình thảo luận với thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải – Giáo viên dạy Sinh trong trường. Thầy đã hướng dẫn bọn em cách tìm hiểu, nghiên cứu, trình bày…Từ đó, bọn em quyết định đi vào thực hiện đề tài nhỏ với tên “Gòn bông băng cho nước nhiễm dầu”.

Em có thể mô tả khái quát về mô hình thu gom xăng dầu bằng gòn của nhóm?

Từ bè bán xăng dầu hoặc sửa chữa máy móc trên sông, chúng em lắp đặt hệ thống này, với hai ống ở hai đầu, thu gom dầu khi nước lớn hoặc nước ròng. Ống này có thể làm bằng gỗ, hoặc nhựa, cho gòn vào bên trong, cột lại, sau đó gắn thêm vào 2 bên ống là hai ống nhựa đã bịt kín đầu hình chữ V. Hệ thống này sẽ có tác dụng gom dầu lại khi nước chảy qua.

Thời gian gần đây, tràn dầu trở thành một hiện tượng đáng chú ý của nước ta. Điều này có tác động như thế nào đến việc hình thành đề tài của các em?

Qua các thầy cô giáo và phương tiện truyền thông, chúng em có biết điều này. Chính điều này càng thôi thúc, là động lực giúp chúng em quyết tâm thực hiện đề tài.

Em và các bạn trong nhóm có mong muốn gì, về việc học tập, nghiên cứu khoa học?

Khi được biết nhóm mình đạt giải Nhất, chúng em rất bất ngờ và vui mừng. Khi thực hiện, do nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện, chúng em đều nghĩ đề tài sẽ không được đánh giá cao. Em và các bạn em đều rất hy vọng sẽ được trang bị tốt hơn về sách báo, điều kiện cơ sở vật chất tại trường lớp, để có thể nghiên cứu tốt hơn.

Cám ơn em. Chúc em và các bạn mạnh khoẻ, học giỏi. 


* Giải thưởng Stockholm về nguồn nước thế giới do Quỹ Stockholm thành lập, được ví như một giải Nobel cho học sinh. Giải thưởng cao nhất hằng năm là một quả cầu thuỷ tinh hình giọt nước được trao trọng thể tại Cung điện Hoàng gia Thuỵ Điển. Người trực tiếp trao giải là công chúa Thuỵ Điển. “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước dành cho học sinh trung học phổ thông và trung học nghề” nằm trong Giải thưởng này.

– Bắt đầu từ năm 2003, được sự tài trợ của Cơ quan hợp tác và phát triển Quốc tế Thuỵ Điển (Sida), thông qua Quỹ môi trường Sida, Cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước dành cho học sinh trung học phổ thông và trung học nghề” đã được chính thức tổ chức tại Việt Nam. Tài trợ chính: Bộ Tài nguyên & Môi trường, Cơ quan Hợp tác & Phát triển Thuỵ Điển (Sida). Đồng tổ chức: Báo Khoa học & Đời sống, Hội bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Tài nguyên & Môi trường.