Khi nghe tin đào vàng tái diễn trên núi Cấm (TX Tam Kỳ, Quảng Nam), nhiều người dân làng An Phú đang đào vàng ở xa cũng ồ ạt kéo về quê hành nghề… Họ không cần biết hầm có thể đổ ụp xuống, "đè nát" giấc mơ vàng bất cứ lúc nào. Nhiều người vẫn đổ về lòng đất núi Cấm, mỏi mòn kiếm tìm…
“Sống dương gian, làm âm phủ”
Trong tình trạng… “tay trắng”, một người có uy tín với cánh đào vàng chấp thuận giới thiệu tôi cho một trùm cai vàng có máu mặt mới từ bãi vàng Nam Trà My trở về.
Mào đầu câu chuyện, tay cai vàng nhìn tôi chằm chằm chợt buông câu hỏi dửng dưng đến lạnh người: “Có chuyện chi không rứa?”. Sau khi biết chúng tôi không can dự gì phương hại tới công việc đào vàng, anh ta hứng thú moi mọi chuyện ra hướng dẫn này nọ…
Một phu vàng lâu năm cảnh báo, trong những cách đào vàng, đào kiểu “chui ngong”, thô sơ như ở đây là rất nguy hiểm. Một tốp thường có từ 5-8 người, dụng cụ gồm cuốc, xẻng, xà beng, sọt, rọ, ky (cáng)…
Dụng cụ đãi vàng có những 3 loại máng, máng nón được làm bằng sắt, đồng hình thù giống chiếc nón. Máng gỗ làm bằng gỗ rừng, rộng, dài khoảng 60 phân hình tam giác. Hai loại này gọi là máng tay. Máng chớp dài khoảng 1–2 mét, rộng 40-50 phân. Đấy là 3 dụng cụ đào vàng thô sơ nhất mà anh em trên núi Cấm đang làm. Nếu băng nào hiện đại thì có máy bơm nước hút nước trong hầm và để đãi vàng.
Theo những cao niên về đào vàng ở đây, những vùng đất có vàng ở Quảng Nam thường có 4 tầng. Đầu tiên là lớp đất dày khoảng 1-1,5m, sau đó là lớp đá hộc, rồi đến lớp đá ôxy dạng cát sỏi có màu đen cháy như than; cứng như bê tông. Lớp cuối cùng là lớp sái. Đây mới là lớp cần lấy vì nó có vàng, nông thì 4m, sâu khoảng 15-20m, tuỳ địa hình. Dưới lớp sái là lớp nền, lớp quyết định, dày khoảng 50cm thành phần lẫn lộn gồm cát, sỏi, đá.
Một phu vàng cho biết, mục đích của người đào vàng cốt sao tìm tới lớp sái, nơi có những mạch (luồng) nước nhỏ bằng ngón tay. Trong mạch nước có chất nhầy, loãng, màu vàng, hoà tan trong nước, cứ đào theo mạch nước đó là sẽ có vàng.
Người đào vàng phải đi theo mạch bằng cách đào một hầm khoảng 1 mét vuông, vừa một người ngồi chọc xà beng. Mạch nước được cho là có vàng ấy ăn loằng ngoằng vào trong núi theo một quy luật nhất định, đến đoạn nào đó nó sẽ tẽ ra thành nhiều nhánh toả khắp nơi trong lòng núi.
Mỗi người đi theo một mạch, hầm cái trên, cái dưới,… càng vào sâu, càng nhiều nước, càng nhiều vàng. Nhiều khi, các thợ tranh nhau chọc lớp ôxy tầng 3, không phải lúc nào cũng dày đều như nhau, khiến cho hầm bị rỗng, dễ bị sập từng phần hoặc hoàn toàn. Những ai trong tốp đào vàng đã… “ăn” quá sâu vào lòng núi, khi sập hầm, mạng mất, xác cũng chẳng đem ra được…
Hầu hết công việc của những người sống bằng nghề đào vàng là tìm cho ra và bám theo những mạch vàng trong lòng đất núi. Chẳng biết từ bao giờ, những người đào vàng trên núi Cấm tự coi mình là những người “sống dương gian, làm âm phủ”.
Không sụp hầm thì… đủ ăn!
Nếu cứ khoét theo mạch vàng và không có sự cố gì về hầm, sái thu được sẽ được chuyển ra ngoài bằng sọt. Ngay sau người chọc theo mạch, có một người dùng xẻng ngắn xúc sái đổ vào sọt, người sau nữa sẽ ngồi kéo cái sọt ra ngoài.
Sái mang từ trong ra, sẽ được 2 người đổ lên máng chớp (dài) dùng máy bơm nước phun vào đầu máng cho sái chảy xuống. Những viên đá lủng củng tự khắc nhảy qua các lớp chớp văng ra ngoài. Những thứ nặng hơn quặng đen, vàng cám… sẽ được đọng quẩn lại quanh các chớp tụ bên chỗ nước xoáy nhất.
Sái được lọc qua máng chớp, rồi được đổ vào máng tay, lọc tiếp và đãi lại lần nữa. Máng tay có nhiệm vụ lọc tối đa quặng, cát, sắt… Vàng nặng hơn sẽ tiếp tục đọng lại dưới máng tay.
Tuy vậy, vàng vẫn còn dính ít, nhiều quặng, sắt… nên phải tiếp tục công đoạn “kho vàng”. Tất cả số sái đã lọc qua máng tay được cho vào chảo đun nóng. Ở nhiệt độ cao, vàng kết dính lại, còn quặng sắt thì bị rời ra. Sau đó, đổ lên tờ giấy mỏng, trắng, thổi nhè nhẹ cho quặng, sắt bay xuống một tờ giấy khác bên dưới.
Số vàng cám thu được sẽ được đổ vào một cái cốc nhỏ, rồi đổ thuỷ ngân vào. Thuỷ ngân lập tức sẽ phân huỷ hết những gì không thuộc về vàng. Vàng cám trong cốc sẽ tự liên kết, gắn lại với nhau thành một cục.
Nếu 1 tốp khoảng 7 người, làm theo hình thức ăn chia, cục vàng cô lại được trong cốc phải to bằng đầu đũa, tức là khoảng 3 chỉ, mới gọi đủ ăn. Trong các công đoạn làm vàng, càng về sau sẽ càng nhàn nhưng lại phức tạp hơn. Những người thực hiện cần có bề dày kinh nghiệm và vốn hiểu biết về nghề đào vàng, phải đạt tới trình độ hết sức tinh vi mới làm được…
Tan giấc mơ vàng
Trên núi Cấm, không chỉ có những cánh rừng, ngọn núi bị xé toạc, những cây thông, bạch đàn đang xanh tươi bỗng dần héo rụi, những bao đất cát đã được đóng chặt ních, mưa gió bầm dập tả tơi… mà còn biết bao oan hồn đang ẩn ức nằm sâu trong núi đá.
Ngoài những chân nhang vàng bệch được cắm trên những miệng hầm mới đào, còn những miếu thờ khuất dưới rừng cây. Những miếu thờ được lập nên để tưởng niệm những người đã chết, thân xác bị đất đá vùi lấp không thể tìm thấy.
Bất cứ lúc nào, người dân nơi đây cũng có thể kể về những vụ sập hầm vàng trên núi Cấm trong trạng thái hoảng hốt, như chuyện vừa mới diễn ra hôm qua.
… Những năm 1986, đoàn người lũ lượt kéo nhau vào núi Cấm đào vàng. Trên một miệng hầm, có người nhìn thấy tầng đá vỉa óng ánh dưới hầm. Cả lũ người lao vào. Sau mấy ngày mưa, đất, đá trong hầm nứt toạc ra, sập xuống, phủ trắng cả miệng hầm. Cả băng đào vàng hơn 40 người, quá nửa bị thương nặng. Hơn chục người chết tại chỗ, 3 người chìm sâu trong lòng đất cả trăm mét.
Trong đó, có một thanh niên còn rất trẻ, dân ở đây chỉ biết mang máng, quê anh này tận Kontum, một người nữa không rõ danh tính, còn một người làng tên là T.V.T.
Bao nhiêu năm, khét tiếng bôn ba làm cai trên các bãi vàng núi rừng miền Trung, trước đó, nghe tin, núi Cấm có vàng, có nhiều người “trúng mánh”, T.V.T dẫn cả một băng đào vàng từ Nam Phước về quê hành nghề. Chẳng thấy vàng đâu, vụ sập hầm đã cuốn ông vĩnh viễn nằm dưới đáy hầm vàng.
Một người có mặt trong vụ sập hầm năm ấy kể lại, đó là cái hầm có độ sâu cả trăm mét. Đứng trên miệng hầm thả rọ xuống là mất tăm, không nhìn thấy rọ, dây đâu nữa. Vụ sập hầm kinh hoàng mang theo cái chết của ông T.V.T như một nỗi ám ảnh của người dân An Phú.
Một vụ sập hầm khác những năm 1987 còn kinh hoàng hơn. Nó là sự khởi đầu việc xoá sổ một gia đình với giấc mơ vàng. Một người dân kể lại, ban ngày đi làm cùng anh em trong băng, không biết để ý thấy vàng ở đâu mà đêm đó, ông V.V.T dẫn đứa con gái tên V.T.L chừng 10 tuổi ra mày mò dưới hầm vàng.
Cha lụ khụ leo xuống lòng hầm cậy vàng. Con đứng trên vận chuyển, kéo đất. Vì sợ bà con phát hiện ra tranh mất vàng của mình, ông vội vã làm thật nhanh nên đã đụng vào những chiếc cột chống hầm. Hầm sập, đè chết cả 2 cha con trong đêm khuya hoang vắng.
Cuộc sống vốn đã khó khăn, ông V.V.T cùng đứa con gái chết đi, để lại cho cô vợ trẻ một đứa con khác chưa đầy 10 tuổi. Hàng ngày, cô vợ lại phải dắt díu con nhỏ của mình lên núi Cấm vận chuyển đất đá kiếm sống. Chẳng bao lâu sau, đất đá của một vụ sập hầm khác cũng đã vật chết cả 2 mẹ con chị.
Một lão làng trong cánh đào vàng kể, trong hơn 20 năm, từ khi vàng ở núi Cấm được phát hiện và khai thác, đã có cả trăm vụ sập hầm với khoảng 50 người chết, hàng chục người bị vùi, nhưng không mấy ai biết…
Những người thường xuyên đào vàng trên núi Cấm kinh nghiệm: “Núi Cấm nhỏ, nhưng đào vàng trên đó là cực kỳ nguy hiểm. Thường, những người đào vàng chỉ chọn những vùng rừng trên núi khô ráo. Nhưng, đỉnh núi Cấm thường xuyên có nước, dưới chân núi Cấm lại có nhiều cao lanh nên chuyện núi Cấm sạt lở, sập hầm là chuyện lúc nào cũng có thể xảy ra…”.
Hầm có thể đổ ụp xuống, “đè nát” giấc mơ vàng của người dân bất cứ lúc nào.
Nhưng, giống như ở các bãi vàng khác, họ bất chấp sự cảnh báo, vẫn đổ về núi Cấm, mỏi mòn kiếm tìm…