Chủ trương giao đất, giao rừng cho cộng đồng làng được xem là một trong những giải pháp tích cực để bổ sung thêm lực lượng bảo vệ rừng, ở đó người dân địa phương là thành tố tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế, những địa phương có rừng vẫn không thể quản lí được rừng.
Dọc các khu rừng thuộc địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam như: Tiên Phước, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My…, gỗ quí khai thác chưa kịp mang đi ngổn ngang dọc các triền sông, suối… Sẽ rất khó tìm được thống kê chính xác về diện tích rừng bị xâm hại từ ngành chức năng. Song một điều chắc chắn là, trong số gỗ rừng bị khai thác có cả diện tích rừng đã có chủ, bởi hiện nay Quảng Nam đã giao gần 161.000 ha đất lâm nghiệp cho 249/389 cộng đồng làng quản lý.
Ông Nguyễn Xuân Phước, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nam Trà My, Quảng Nam cho biết: ” Một thôn rất lớn, dân cư sống tập trung, quản lý không hết rừng. Kinh phí giao cho cộng đồng giờ chưa có, họ không có điều kiện quản lí và chưa thật gắn bó với rừng”.
Theo qui định, sinh phần hưởng lợi từ rừng mỗi năm đối với người dân là 90%, xã 10%, nhưng trên thực tế không ai có thể đong đếm được, và người dân cũng không mấy mặn mà với diện tích rừng đã được giao. Mặt khác, do địa hình miền núi Quảng Nam phần lớn núi cao vách đứng hiểm trở, đồng bào dân tộc thiểu số sống thưa thớt trên các dẻo núi cao, diện tích rừng được giao nhiều nơi không ai có dịp đặt chân đến.
Theo ông Phan Sĩ Hùng, Chi cục trưởng chi cục lâm nghiệp Quảng Nam: “Nhà nước đã có Quy định 245/TTg CP về quản lí bảo vệ rừng, trách nhiệm trước hết thuộc chính quyền sở tại, còn để hạn chế nạn phá rừng, phải tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân và có cơ chế phù hợp”.
Mục tiêu của Chính phủ khi đặt vấn đề giao đất cho cộng đồng làng là, nhằm giảm thiểu rừng bị xâm hại, để rừng có chủ. Đây là một chủ trương đúng, tuy nhiên lại thiếu tính cụ thể khi triển khai tới địa phương. Trước tình trạng trên, từ cuối năm 2006, tỉnh Quảng Nam phải tạm dừng thực hiện giao đất giao rừng. Và như vậy, nếu cứ dừng lại ở đây thì trên thực tế, nhiều diện tích rừng ở Quảng Nam hiện vẫn không có chủ, đó là chưa nói đến tình trạng bất cập giữa khai thác và trồng mới rừng của một số lâm trường, cũng góp phần làm cho việc quản lí rừng thêm phức tạp.