Cải cách Phát triển Dược liệu Sa Pa – Rút ngắn khoảng cách đói nghèo

ThienNhien.Net – Cái tên “Sa Pa” khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến một vùng du lịch nổi tiếng với dãy Hoàng Liên hùng vĩ và những người dân H’mông vẫn còn tập quán phá rừng làm nương rẫy. It ai biết rằng cuộc sống nơi đây đang đổi thay một cách bền vững. Trong đó có sự đóng góp của dự án ”Cài cách Phát triển Dược liệu Sa pa”, một sáng kiến giới thiệu các loại dược liệu của Sa Pa ra thị trường thế giới, tận dụng nguồn gen quý hiếm có sẵn với kiến thức bản địa để tạo kế sinh nhai lâu bền cho chính người dân nơi đây.
 
Huyện Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai là một vùng địa hình chia cắt phức tạp và khí hậu đa dạng, phân bố từ vùng nhiệt đới đến á nhiệt đới, ôn đới và núi cao. Hệ thực vật Sa Pa phong phú, đặc biệt có nhiều loài cây thuốc quý đặc hữu. Theo một số nghiên cứu trước đây của Võ Văn Chi (1997), Lê Trần Chấn (1996), Nguyễn Nghĩa Thìn (1998) và Viện Dược Liệu (1998), số cây thuốc của Sa Pa đã được phát hiện là 901 loài, chiếm 39% số loài thực vật đã được biết đến ở đây. Người dân Sa Pa đa phần là người H’mông (52,72%) và Dao (25,51%), họ đều có những tri thức và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc phong phú – đây là một kho tàng quý báu vô tận. 
 
Mặc dù có sẵn những thuận lợi như vậy nhưng để phát triển một nền dược liệu hàng hoá ở huyện Sa Pa không hề đơn giản bởi thực tếcó rất nhiều khó khăn như điều kiện giao thông trắc trở, sự cạnh tranh của dược liệu Trung Quốc, tập quán canh tác quảng canh của người dân…Và đặc biệt nhất, nhiều loài cây thuốc quý hiếm ở đây hiện đã bị đe dọa, những loài đặc trưng như Hoàng liên chân gà, hoàng liên gai, thổ hoàng liên, sâm vũ diệp ngày nay đều rất hiếm gặp.
 
Dự án Cải cách Phát triển Dược liệu Sa Pa (MPI) bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2003, nhằm mục tiêu khuyến khích việc bảo tồn các loài cây thuốc có nguy cơ bị tuyệt chủng thông qua việc nhận biết và phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ các loài được chọn mà các gia đình người dân tộc thiểu số có thể trồng được tại Sa Pa. Có 5 loài (Sì to, bình vôi nhị ngắn, ngũ gia bì gai, chùa dù, tục đoạn) đã được lựa chọn, nhân giống và trồng thử nghiệm tại 5 xã. Kết quả cho thấy có thể phát triển thương mại 3 loài (bình vôi nhị ngắn, ngũ gia bì gai và chùa dù), từ sản xuất tinh dầu đến các loại dược phẩm và sản phẩm tự nhiên để cung cấp cho thị trường. Các xã tham gia dự án cũng đã liên kết và thành lập Hội Cây thuốc bản địa Sa Pa thực hiện việc tổ chức sản xuất, lên kế hoạch thu hoạch và sơ chế cũng như tạo cơ sở cho quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm.
 
Một trong những kết quả triển vọng nhất mà dự án thể hiện là  từ một sản phẩm chất lượng cao dựa trên sự kết hợp kiến thức truyền thống với nghiên cứu khoa học, các cộng đồng địa phương có thể sở hữu sản phẩm, thu lợi ích từ việc đồng sở hữu trí tuệ sản phẩm và có được giá trị gia tăng gấp nhiều lần so với tình trạng phổ biến hiện nay là người dân chỉ đơn thuần bán nguyên liệu thô cho lái thương. Chiến lược xoá đói giảm nghèo này về cơ bản khác với các chiến lược sản xuất và bán cây thuốc với số lượng lớn bởi đối tượng được hưởng giá trị gia tăng là người sản xuất tại địa phương chứ không phải là những lái thương đến từ thành thị.
 
Tính bền vững của dự án thể hiện ở ngay phương pháp thực hiện, đó là sự tham gia toàn phần của các dân tộc thiểu số tại địa phương vào quá trình sản xuất và sơ chế thảo dược và do đó một tỷ lệ hợp lý trong tổng giá trị gia tăng được trao cho chính họ, đồng thời các sản phẩm tạo ra đều có thương hiệu, là những sản phẩm hợp đạo đức và được đồng giám sát bởi các bên có liên quan.
 

  Tin mới nhận:

Hôm qua, 30/05/2007, Dự án “Cải cách Phát triển Dược liệu Sa pa” do Công ty Sa Pa Essentials, Hội cây thuốc bản địa Sa Pa, Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng và Công ty nghiên cứu thảo dược rừng New Zealand phối hợp thực hiện tại tỉnh Lào Cai đã chính thức được công nhận đoạt giải thưởng “Môi trường và phát triển 2007” của Liên hợp quốc.
 
Đây là giải thưởng quốc tế dành cho các doanh nghiệp địa phương, các cộng đồng dân cư, các công ty và các tổ chức khác tham gia vào chương trình phát triển bền vững. Tham dự giải năm nay có 230 ứng cử viên từ hơn 70 nước, đại diện cho khoảng 1.100 công ty tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội.