Những con cá mập cái có thể tự thụ tinh cho trứng của mình và sinh con mà không cần tinh trùng của con đực, một nghiên cứu mới về hiện tượng sinh sản đơn tính của một con cá mập búa tại Mỹ cho biết.
Nghiên cứu hợp tác giữa Mỹ – Bắc Ireland, đã phân tích ADN của một con cá mập chào đời năm 2001 trong vườn thú Henry Doorly ở Omaha, bang Nebraska. Con vật này được sinh ra trong một cái bể chỉ có 3 bà mẹ tiềm năng, mà không con nào trong số chúng từng tiếp xúc với một con cá mập búa đực trong ít nhất 3 năm.
Chú cá con đã bị giết chết bởi một con cá đuối gai độc sống cùng bể chỉ vài giờ sau khi ra đời. Phân tích ADN của nó người ta không tìm thấy bất cứ dấu vết nhiễm sắc thể nào từ một con đực khác.
Các chuyên gia về cá mập cho biết đây là trường hợp đầu tiên được xác nhận là sinh sản đơn tính ở cá mập – thuật ngữ xuất phát từ tiếng Hy Lạp nghĩa là “sinh sản trinh trinh – xử nữ”.
Sinh sản đơn tính phổ biến trong các loại côn trùng, hiếm gặp hơn ở cá và bò sát, và hầu như chưa từng được ghi nhận ở các loài thú. Danh sách các loài được biết đến khả năng này ngày một dài ra, đặc biệt là những loài trong điều kiện nuôi nhốt, nhưng đến nay, cá mập chưa hề được xem là một ứng cử viên tiềm năng.
“Phát hiện này thực sự đáng kinh ngạc vì từ xưa đến nay như mọi người đều biết, tất cả các loài cá mập đều sinh sản theo kiểu lưỡng tính, nghĩa là có sự kết đôi của một con đực và một con cái. Phôi cần phải nhận được ADN của cả bố và mẹ mới phát triển đầy đủ, giống như là các loài thú”, nhà sinh vật học Paulo Prodohl từ Đại học Queen ở Belfast, Bắc Ireland, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
“Theo thói quen khoa học, chúng tôi nghi ngờ kết quả của mình và làm đi làm lại, lần thứ 3 sử dụng một công nghệ mới với cách tiếp cận gene mới. Lần này xác nhận không hề có ADN của con đực nào lọt vào”, Prodohl kể.
Trước nghiên cứu này, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng có thể một con cá cái đã trữ tinh trùng của con đực trong cơ thể trong nhiều tháng. Điều này nghe có vẻ đáng tin cậy nhất dù những con cá mập đã tới vườn thú ở Nebraska khi còn chưa trưởng thành.
Tuy nhiên, sự vắng mặt ADN của bố trong chú cá mập con đã loại bỏ khả năng đó. Theo một chuyên gia, phát hiện này cũng giúp giải thích cho sự gia tăng số lượng các báo cáo mang tính giai thoại về những ca sinh cá mập con không cha trong các trại nuôi nhốt.